Đình chỉ sinh hoạt đảng với ông Trần Ngọc Hà nguyên Tổng giám đốc VEAM
Việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Trần Ngọc Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương trong thời gian đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có).
Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc VEAM. |
Hiện nay, Bộ Công an đang điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) và một số đơn vị thành viên.
Ngày 03/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 48/C03-P13 và Quyết định khởi tố bị can số 202/C03-P13 đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc VEAM.
Trước đó, vào cuối tháng 3, VEAM đã ban hành nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc với ông Trần Ngọc Hà.
Ông Hà bị tạm dừng nhiệm vụ liên quan đến thương vụ mua bán 3.000 linh kiện phụ tùng ôtô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ với trị giá 1.600 tỉ đồng mà không thông qua hội đồng quản trị.
Ngoài ra, theo VEAM, ông Hà cùng một số cán bộ còn có các vi phạm khác liên quan đến quy định về quản lý tài chính và điều lệ của công ty này.
Đến tháng 6, ông Hà tiếp tục bị miễn nhiệm là người đại diện vốn nhà nước tại VEAM.
Ngày 16/5, tại trụ sở Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), Bộ Công Thương đã công bố Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM.
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.