“Điều ngạc nhiên tháng 10” của FBI có ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ?
Theo Business Insider, ban đầu, sự việc này có vẻ như sẽ gây bùng nổ. Trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng quốc hội đảng Cộng hòa, ông Comey có viết: “Trong một vụ việc không liên quan, FBI đã nắm được thông tin về sự hiện diện của các thư điện tử mới thích hợp để điều tra. Tôi viết thư này để thông báo rằng nhóm điều tra đã báo cáo cho tôi hôm qua và tôi đồng ý FBI nên tiếp tục các bước điều tra những email trên để quyết định xem chúng có chứa thông tin mật hay không, cũng như đánh giá tầm quan trọng của chúng trong công cuộc điều tra”.
Những thư điện tử này không phải đến từ bà Clinton cũng không có bất kỳ bằng chứng nào từ phía cựu Ngoại trưởng Mỹ hay chiến dịch của bà mà những email này đến từ bên ngoài. Cụ thể, FBI có được chúng từ một thiết bị của Anthony Weiner, chồng của cố vấn thân cận của bà Clinton, Huma Abedin, khi FBI đang điều tra vụ việc chat sex của ông này với trẻ vị thành niên.
Vụ việc xảy ra sát “giờ G” này sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? Liệu scandal này có làm thay đổi suy nghĩ của người dân Mỹ đối với bà Clinton?
Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và trợ lýHuma Abedin. Nguồn: Reuters |
Khi tin tức mới được tiết lộ, các nhà bình luận bảo thủ chắc chắn rằng điều này sẽ thay đổi hình thế của cuộc bầu cử. “Đây là tin xấu cho đội của bà Clinton”, Josh Kraushaar đến từ tạp chí National Journal. Một nhà bình luận khác, Matt Mackowiak, khẳng định rằng đây là sự việc “rất nghiêm trọng” và là “một đòn chính trị chết người”.
Ở giai đoạn này, chưa thể khẳng định được vụ việc trên sẽ chi phối 11 ngày còn lại trong cuộc đua vào Nhà Trắng ra sao. Hàng chục triệu người dân Mỹ đã đi bỏ phiếu ở các bang chủ chốt như bắc Carolina, Florida, Texas và Nevada. Có hai khả năng xảy ra ở đây, một là các tin tức về email có thể ảnh hưởng tới các cử tri độc lập hay chưa quyết định bên phía bà Clinton. Và hai là, có thể bê bối này cũng sau cùng cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Tất cả mọi người đều đồng tình rằng, nền chính trị Hoa Kỳ chưa bao giờ bè phái và phân cực đến thế. Nhưng không phải ai cũng hiểu được tại sao vấn đề này lại quan trọng. Không chỉ có quốc hội và thể chế có thể tạo ra sự phát triển và giúp đạt được mục tiêu, mà đó còn phụ thuộc vào cuộc bầu cử. Sự phân cực hiện tại quá mạnh đến nỗi những bê bối trong tranh cử đều có thể bị gạt đi.
Lý thuyết về nền dân chủ của Hoa Kỳ đó là mọi công dân thận trọng suy xét các vấn đề và chọn ra một ứng viên. Điều này là không đúng. Sự thật ở đây, theo như các nhà khoa học chính trị Christopher Achen và Larry Bartels, tại sao các cuộc bầu cử không thể làm nên một chính phủ dễ dàng đưa ra quyết định, đó là bởi vì các cử tri có xu hướng bộ lạc hóa. Điều đó có nghĩa là sự trung thành chính trị của họ là tiên quyết, sau đó mới đến vị thế và niềm tin.
Ví dụ rõ ràng nhất là với trường hợp của ông Donald Trump. Đảng Cộng hòa từ lâu đã ủng hộ tự do thương mại nhưng ông Trump, thành viên đảng Cộng hòa, lại là người phản đối chính và chỉ trích toàn bộ các thỏa thuận thương mại được lập nên trong 30 năm qua. Nhiều người cho rằng điều này sẽ làm giảm lượng ủng hộ trong đảng dành cho ông Trump. Thế nhưng, điều đó không xảy ra, thay vào đó, các cử tri này lại thay đổi quan điểm về thương mại của họ.
Khi nói đến bầu cử, hay ít nhất là cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ, một kết luận quan trọng được đưa ra là: đối với các cử tri, điều mà một ứng viên tin tưởng không quan trọng bằng số lượng những người ủng hộ họ. Tỷ phú Trump có những người ủng hộ rất nhiệt huyết, luôn tin vào thông điệp về chủ nghĩa dân tộc và các phát ngôn muốn loại bỏ những người ngoại đạo khỏi Mỹ.
Tuy nhiên, lý do khiến ông Trump đi được đến ngày hôm nay không phải bởi vì ông đã thuyết phục được 50 triệu người dân Mỹ rằng ông đã đúng. Mà lý do chính, đó là ông Trump là ứng viên của đảng Cộng hòa, ông được hưởng lợi thế của một chính đảng lớn, với sự ủng hộ hùng hậu trong đảng ở một đất nước bè phái như Mỹ, thế là đủ.
Trong lịch sử 4 cuộc bầu cử Tổng thống trước đây, ứng viên của các đảng chính đã giành được phần lớn sự ủng hộ của lực lượng trung thành với đảng này, lên đến 90%. Đơn giản có được vị trí ứng viên duy nhất của một trong hai đảng chính ở Mỹ là đủ để giúp bất kỳ ai thu hẹp khoảng cách và trở thành Tổng thống, cho dù có thiếu hụt năng lực hay gặp nhiều bê bối đến đâu.
Email được phát hiện từ máy tính củaAnthony Weiner, chồng của cố vấn thân cận của bà Clinton, Huma Abedin. Nguồn: Getty |
Tuy những vụ bê bối xuất hiện vào phút cuối có thể khiến truyền thông “bấn loạn” nhưng thực chất đó vẫn chỉ là những vụ việc bên lề và liên quan đến một lượng nhỏ cử tri mà thôi. Ví dụ như trường hợp của ông Mitt Romney năm 2012 với tỷ lệ ủng hộ 47%, thực sự là một “quả đại bác” có thể thay đổi kết quả bầu cử vào thời điểm đó. Nhưng một tháng sau, hiệu ứng này đã không còn, thậm chí chẳng có ảnh hưởng gì đến việc ông Obama tiếp tục cương vị Tổng thống.
Một lần nữa có thể thấy được điều này ở ứng viên Donald Trump. Các bê bối có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ ông, nhưng ông luôn luôn hồi phục vì các thành viên đảng Cộng hòa lại tiếp tục quay về bên ông. Hiện giờ cũng vậy, các cử tri đảng Cộng hòa dường như đã để scandal video thô tục của ông lại phía sau và chỉ tập trung vào nhà tỷ phú bất động sản này.
Nếu như tuần cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ là thời gian của sự tổng động viên lớn và kích động bè phái thì những tin tức như email của Weiner hay tài điều tra email của bà Clinton, cũng sẽ không phải là vấn đề gì lớn.
Lật lại bê bối email của Hillary Clinton
FBI đã tiến hành điều tra các email của bà Clinton vào tháng 7/2015 sau khi bà hủy 30.000 email mà bà nói là thư cá nhân trước khi giao nộp bất cứ thứ gì cho Bộ Ngoại giao theo yêu cầu vào năm 2014. Cơ quan này tiết lộ rằng bà đã sử dụng một máy chủ cá nhân bí mật để gửi cả email cá nhân và email liên quan đến công việc được đưa ra sau đó, và làm dấy lên những câu hỏi về cách bà xử lý các thông tin mật.
Gần một năm sau, bà đã tham gia một cuộc thẩm tra tự nguyện vào ngày 2/7 và báo cáo kết luận được đưa ra 3 ngày sau đó. Trợ lý Abedin đã được thẩm tra hồi tháng 4/2016.
Trong bản báo cáo 47 trang, FBI đã đề cập đến việc tịch thu điện thoại và iPad để phục vụ điều tra, nhưng không nói gì đến các thiết bị cá nhân. Một số điện thoại bị các trợ lý của bà Clinton tiêu hủy bằng búa sau khi bà kết thúc hợp tác với họ không bao giờ được tìm thấy.
FBI không chính thức đóng vụ án nhưng đã rút các đặc vụ chủ chốt khỏi vụ việc và đưa ra báo cáo kết luận cùng các tài liệu liên quan đến các cuộc thẩm tra đã được thực hiện.