Điều ít biết về công chúa mới tài năng của Thái Lan
Theo Nikkei Asian, công chúa Bajrakitiyabha Mahidol có một vị thế đặc biệt tại Thái Lan, cả bởi thân thế và kinh nghiệm của cô. Là con gái lớn của Đức Vua mới Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun, Bajrakitiyabha Mahidol đồng thời là người cháu đầu tiên của Quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej và Hoàng Thái hậu Sirikit.
Mẹ cô, công nương Soamsawali, là người vợ đầu tiên trong ba người vợ của Cựu Thái tử Maha Vajiralongkorn. Mặc dù đã ly hôn với Đức Vua mới từ năm 1991, bà Soamsawali, vốn là cháu của Hoàng Thái hậu Sirikit, vẫn là một trong những nhân vật năng động và nổi bật nhất Hoàng Gia.
Công chúa Bajrakitiyabha Mahidol tại Liên Hiệp Quốc. |
"Pa", tên thường gọi của công chúa Bajrakitiyabha sở hữu cuộc sống sôi động, khi giao du cùng giới thượng lưu cũng như gắn kết chặt chẽ với bên quân đội, các quan chức, học giả và nhà ngoại giao.
Tháng 9/2016, cô từng dẫn đầu một đoàn thám hiểm chinh phục đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương nằm ở miền Bắc Việt Nam.
Khi Cựu Thái tử Maha Vajiralongkorn dẫn đầu 80,000 tay đua, đạp xe vòng quanh thủ đô hồi tháng 8/2015 nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 83 của mẹ ông, Hoàng Hậu Sirikit, công chúa Bajrakitiyabha chính là người dẫn dắt đoàn đua thứ hai. Thi thoảng công chúa cũng tham gia những sự kiện ngoài trời nhỏ hơn như đạp xe hay chạy đua vào cuối tuần.
Ở tuổi 38, công chúa Pa vẫn độc thân nhưng hiện đang có nhiều lời đồn đoán về một đám cưới Hoàng gia dành cho cô sau nghi lễ hỏa táng của Quốc vương quá cố vào tháng 10 năm nay. Nghi lễ đăng quang của cha cô diễn ra ngay sau đó. Công chúa Bajrakitiyabha được mong đợi sẽ đóng một vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ cha cô đồng thời vực góp phần phát triển hình ảnh của Triều đại Chakri, triều đại tồn tại từ năm 1782.
“Mặc dù công chúa tìm kiếm một cuộc sống bình lặng , cô có thể vẫn là tiêu điểm của các bản tin khi người Thái bàn về tương lai của Hoàng tộc,” Trung tâm Nghiên cứu Chiến lượng và Quốc tế tại Washington nhận định năm 2014.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Sau khi tốt nghiệp khoa Luật, trường Đại học Thammasat, Bangkok, công chúa Bajrakitiyabha tiếp tục học lên cao học tại trường Luật Cornell và nhận bằng tiến sỹ tại đây vào năm 2005. Cùng năm đó, cô giành được chứng chỉ hành nghề luật sư tại Thái Lan.
Không lâu sau, cô tham gia nhiệm kỳ thường trực của Thái Lan tại Liên Hợp Quốc ở New York với vai trò Thư ký đầu tiên và làm việc như một nhà ngoại giao đa phương tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 60. Trở lại Thái Lan năm 2006, cô trở thành công tố viên tại văn phòng Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Công chúa Pa tham gia đạp xe ở Bangkok kỷ niệm sinh nhật của bà nội. |
Năm 2011, khi làm việc tại Bộ Ngoại giao Thái Lan, công chúa chủ trì Ủy ban Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự. Cô đồng thời giữ vai trò Đại sứ Thái Lan tại Áo hai năm liên tiếp ở độ tuổi đặc biệt trẻ, 34 tuổi tính tại thời điểm đó. Cùng thời gian này, cô là đại diện thường trực của Thái Lan tại Liên Hợp Quốc ở Vienna, một trong bốn trụ sở chính trên toàn cầu của tổ chức.
Từ kinh nghiệm và nền tảng kiến thức của mình, công chúa không ngần ngại bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về phát triển bền vững và đặc biệt chú trọng tới những quy định của pháp luật cũng như sức ảnh hưởng của luật pháp tới sự phát triển.
Cùng với mẹ, năm 1995, cô thành lập Tổ chức Công chúa Pa để giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt và thiên tai. 10 năm sau đó, bằng tiền của chính mình công chúa đã lập nên dự án Kamlangjai (Truyền cảm hứng) dành cho những người phụ nữ bị bỏ tù cùng với con cái họ.
Khi giữ cương vị đại sứ thiện chí cho Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, cô cũng thành lập dự án “Tăng cường chất lượng sống cho tù nhân nữ”. Rõ ràng, chế độ đối đãi với tù nhân nữ vẫn còn là vấn đề lớn tại Thái Lan.
Theo một nghiên cứu của Đại học London năm 2015, hơn 700.000 phụ nữ và em bé gái bị giam cầm trên toàn cầu, tăng 50% kể từ năm 2000. Trong số đó, có gần 48.000 tù nhân ở Thái Lan, xếp thứ tư chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Với cương vị là chủ tịch Ủy ban tư vấn đặc biệt của Học viện Tư pháp Thái Lan, một tổ chức phi chính phủ ra đời vào năm 2011, công chúa hiện đang được trông đợi có thể ảnh hưởng tích cực tới quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống pháp luật vốn còn nhiều lỏng lẻo của Thái Lan.
Nói rộng hơn, cô là gương mặt hiện đại, hứa hẹn mang lại nguồn sinh lực mới cho hoàng gia lâu đời ở xứ sở Chùa Vàng.