Điều gì ẩn sau chuyến công du Thái Bình Dương của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?
Tuần trước, ông Carter đã tới thăm Alaska, tại đây ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách châu Á và Bắc Cực của Mỹ. Ba ngày trước, ông Carter bay tới Hàn Quốc để gặp gỡ người đồng cấp Han Min-Koo. Và hôm 3/11, ông tiếp tục tới Malaysia để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Các chủ đề trong cuộc thảo luận giữa ông Carter và ông Han không gây ngạc nhiên khi tập trung vào Triều Tiên, bao gồm vấn đề hạt nhân, đàm phán và năng lực mạng của Bình Nhưỡng. Cả hai Bộ trưởng đều tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho biết thêm rằng chính sách “không khoan nhượng” đối với tương lai các vụ thử hạt nhân hay tiến hành phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên vẫn còn có hiệu lực cao. Cả hai cùng bày tỏ mối lo ngại về những thông điệp mà Bình Nhưỡng cho rằng nước này đang chuẩn bị phóng tên lửa tầm xa, vi phạm các nghị quyết của Washington.
Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ vừa có chuyến công du một loạt nước châu Á-Thái Bình Dương. Nguồn: Flickr |
Ông Carter gặp người đồng cấp Han ở Seoul trong cuộc họp an ninh thường niên giữa hai đồng minh với mục đích đánh giá tổng kết hoạt động hợp tác giữa quân đội hai nước. Trả lời phóng viên, ông Carter cho biết cả hai đã thảo luận về vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, các mối đe dọa quân sự và an ninh mạng từ Triều Tiên. Theo Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, mối quan hệ Mỹ-Hàn Quốc luôn ở mức hợp tác cao độ, bền vững và chặt chẽ.
Căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul đẩy lên cao độ kể từ tháng 8. Theo sau vụ việc hai lính Hàn Quốc bị thương nặng do bẫy mìn của Triều Tiên, Seoul đã khởi động dàn loa tuyên truyền khổng lồ hướng về phía binh lính và dân thường Triều Tiên ở khu vực DMZ. Kết quả là, một cuộc đọ súng đã diễn ra nhưng không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, cuộc tập trận thường niên của Mỹ-Hàn Quốc sau đó vẫn khiến mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng đóng băng.
Một chủ đề quan trọng khác trong cuộc hội đàm của hai Bộ trưởng, đó là hoạt động kiểm soát (OPCON). Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột mới với Bình Nhưỡng, Mỹ đã nhận trách nhiệm chỉ huy hoạt động của quân đội Hàn Quốc bên cạnh sự hiện diện của 28.000 lính Mỹ đồn trú ở đây. Đây là một phần trong chính sách hợp pháp kể từ khi Mỹ được giao trọng trách kiểm soát trong cuộc chiến Liên Triều. Hai nước đã đồng ý chuyển giao trách nhiệm này cho quân đội Hàn Quốc kèm theo một số điều kiện.
Theo đó, việc chuyển giao trách nhiệm kiểm soát dựa trên điều kiện thực tế, có nghĩa là bước đi này có thể được trì hoãn. Việc trì hoãn sẽ giúp Hàn Quốc có thêm thời gian phát triển các năng lực quân sự cốt lõi cần thiết cho hoạt động OPCON diễn ra vào khoảng giữa năm 2020.
Một chủ đề quan trọng khác là năng lực mạng của Triều Tiên. Hàn Quốc và Mỹ từng cáo buộc Bình Nhưỡng đứng đằng sau một số vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan tài chính, trang web chính phủ và truyền thông. Đáng chú ý là vụ tấn công trên diện rộng vào ba đài truyền hình lớn của Hàn Quốc năm 2013, cũng như đột nhập vào máy tính của hãng Sony Pictures khi ra mắt bộ phim The Interview, một bộ phim hài châm biếm về nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tiếp tục chuyến công du Thái Bình Dương, hôm 3/11, ông Carter đã tới Kuala Lumpur để tham dự ADMM+. Tại đây, vấn đề Biển Đông và việc Mỹ đưa tàu tuần tra tự do hàng hải tại khu vực này một lần nữa trở thành tâm điểm của hội nghị.
Qua chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể thấy, Bắc Cực là một khu vực chiến lược đối với nhiều quốc gia châu Á, đáng chú ý là Trung Quốc khi nước này mới đây đã điều một hạm đội tàu chiến tới eo biển Bering. Hàn Quốc vẫn là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, đồng thời là một “bức tường thành” che chắn sự hung hăng từ phía Triều Tiên. Vấn đề Biển Đông liên quan đến rất nhiều nước và là một phần quan trọng trong sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực này ở cả hiện tại và tương lai.
Ngoài những vấn đề bên lề các cuộc gặp gỡ, chuyến công du của ông Carter đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng mặc dù có những nhân tố gây xao nhãng ở Trung Đông và Đông Âu nhưng chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Tổng thống Obama vẫn thuộc ưu tiên hàng đầu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.