"Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện chẳng khác nào làm thất thu ngân sách"
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai), cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch.
Thậm chí, làm nát quy hoạch ban đầu, được minh chứng, đó là tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, lại tự tiện điều chỉnh của bộ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khá phổ biến gây ra hệ lụy, hiệu ứng tiêu cực, thậm chí rất tiêu cực cho các quy hoạch khác.
ĐBQH Đinh Duy Vượt |
“Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng rồi giảm diện tích cây xanh. Đồng thời các khu tái định cư lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất.
Đây là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải v.v... ngày càng tăng. Trước mắt là ở các thành phố lớn và sẽ là tất cả các đô thị trong tương lai.
Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều bức xúc khác. Từ bất cập, hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống diễn ra hàng ngày”, ĐB Duy Vượt nêu.
Từ những dẫn chứng trên, ĐB Đinh Duy Vượt cho biết, cử tri bày tỏ kỳ vọng các trụ sở cũ, các cơ quan cũ đã di rời sẽ trở thành vườn hoa, công viên hay các công trình công cộng, tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó trơ trơ như thách thức cùng dư luận.
"Đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lí trong quy hoạch đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng căn bệnh trên", ông Vượt bày tỏ.
Vấn đề thứ hai, ĐB Duy Vượt cho biết, cử tri mong muốn, ủng hộ tri ân các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã và đang phát huy lợi thế đất đai, làm giàu cho đất nước, địa phương tạo ra đô thị văn minh, hiện đại, cùng nhà nước giải quyết vấn đề "an cư lập nghiệp" đồng thời tạo cho các dự án sức lan tỏa, dẫn dắt động lực thúc đẩy để sản xuất, giải quyết việc làm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.
Song, điều đáng suy ngẫm là nhiều tỷ phú ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các khu đất đô thị, đồng thời thâu tóm hàng ngàn héc-ta đất màu mỡ khác chờ thời, các dự án này cũng là tài sản thế chấp ngân hàng mà thực chất là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, không được tính vào giá trị của doanh nghiệp.
Việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát thậm chí không tuân thủ pháp luật, cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, "sân trước sân sau" lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định nhà đầu tư thay cho đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng thời, lợi dụng cơ chế để "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong định giá đất khiến giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiêp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín.
Cũng chính vì những tồn tại trên đã tạo ra khiếu kiện phức tạp tiềm ẩn, bất ổn an ninh trật tự, được minh chứng bằng nhiều vụ án liên quan đã xét xử, các kết luận xử lý của Ủy ban kiểm tra Trung ương. Đồng thời, dư luận và cử tri, nhân dân vẫn đang quan tâm đến những điểm nóng liên quan đến đất.
“Kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải kịp thời bịt lỗ hổng này như kiến nghị của đoàn giám sát, đó là thu hẹp đối tượng được giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất; thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm. Quan trọng hơn cả là phải thu hồi tài nguyên đặc biệt này để chọn mặt gửi vàng chứ không phải chọn trứng gửi cho ác, không ngoại trừ chuyển nhượng cho người nước ngoài, luồn lách mà doanh nghiệp vẫn đứng tên”, ĐB Vượt kiến nghị.
Vị đại biểu dân cử tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, báo cáo cần bổ sung thực trạng, nguyên nhân, dự báo, cảnh báo và những cơn sốt đất kinh ngạc từ cuối năm 2018 và nhất là trong năm nay, giá đất tăng vù vù, lan cả sang các địa phương trong cả nước vượt tầm kiểm soát dường như thả nổi.
Nguyên nhân là gì? Dòng tiền lớn chảy vào có từ đâu trong khi ngân hàng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nó có tác động đến lạm phát hay không? Vì giá trị đất đai cũng chính là nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, rồi có gây ra nợ xấu không, có làm bong bóng bất động sản không?
Hơn nữa, giá đất tăng như hiện nay, các địa phương cũng cực kỳ khó khăn trong việc thu hồi giải phóng mặt bằng, các dự án. Đây cũng là một trong các nguyên nhân người dân có đất bị thu hồi không hợp tác, bị kích động, thành những điểm nóng khi bị thu hồi, cưỡng chế. Bên cạnh đó cũng đặc biệt quan tâm xử lý quy hoạch treo, dự án treo.
“Chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bổ sung trong nghị quyết và chỉ đạo tập trung loại bỏ quy hoạch treo và người dân có quyền khởi kiện chính quyền về quy hoạch treo đó. Quy hoạch treo phải bồi thường thiệt hại”, ĐB Vượt nêu.
Bổ sung thêm về vấn đề quy hoạch, ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) kiến nghị, Chính phủ cần rà soát lại các dự án không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam về bố trí đất cho giáo dục, y tế, bãi đỗ xe, cây xanh nội bộ; các dự án không tuân thủ giấy phép quy định về phòng cháy, chữa cháy, không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với người dân mua nhà, đất, căn hộ để yêu cầu chủ đầu tư có phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân. Đây là vấn đề rất búc xúc.