Điện Biên xảy ra 2 trận động đất liên tiếp, nhà cửa rung lắc
Lúc hơn 9h sáng nay (14/3), một trận động đất khá mạnh đã xảy ra tại huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên. Khoảng hơn hai tiếng sau, thêm một trận động đất nhỏ hơn xảy ra tại đây.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trận động đất đầu tiên có độ 4,5 độ Richter có khả năng gây ra rủi ro thiên tai cấp 2, khiến nhiều nhà cửa bị rung lắc. Trận động đất này xảy ra lúc 9 giờ 22 phút 36 giây sáng nay (14/3) theo giờ Hà Nội tại huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên với độ sâu khoảng 13,2 km, tọa độ: 21.123N-103.184E.
Ngay sau đó, lúc 11 giờ 52 phút 00 giây sáng nay (giờ Hà Nội), thêm một trận động đất 3,4 độ Richter tiếp tục xảy ra ở huyện Điện Biên Đông với độ sâu khoảng 8,1km. Hiện chưa có thống kê về tình hình thiệt hại do hai trận động đất gây ra. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều nơi cảm nhận được nhà cửa rung lắc rõ rệt.
Theo nhận định của các chuyên gia, sau kích động chính, có thể sẽ xuất hiện thêm các trận động đất nhỏ hơn, gọi là dư chấn. Vì vậy, khu vực này có thể đón nhận thêm các trận động đất nhỏ hơn 4,5 độ trong thời gian tới.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu. Nơi đây từng ghi nhận nhiều trận động đất có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6.9 độ tại lòng chảo Điện Biên, trận động đất 6.7 độ xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo vào năm 1983 và trận động đất mạnh 5.3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ năm 2001.
Ông Xuân Anh đề nghị người dân nơi đây cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vât lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo.
Ông Xuân Anh cũng cho rằng, tới đây cần có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước. Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình. “Động đất là vấn đề chưa thể dự báo, có những khu vực địa chất, đứt gãy ngủ yên rất lâu sau đó hoạt động mạnh trở lại. Vì vậy các địa phương cần tuân thủ yêu cầu về kháng chấn đã được cảnh báo để hạn chế thấp nhất hậu quả nếu xảy ra”, ông Xuân Anh nói.
Theo tienphong.vn