Diễn biến mới trong thương vụ mua S-400 và căng thẳng Mỹ - Thổ
Tờ Wall Street Journal dẫn lời giới chức Mỹ cho hay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng việc gia tăng sức ép lên Tổng thống Recep Tayyip Erdogan liên quan tới thương vụ mua S-400 của Nga và chiến dịch quân sự của Ankara ở Syria có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ phát triển mối quan hệ thân thiết hơn với Nga. Do đó, Mỹ cần tìm kiếm phương án tiếp cận mới để giải quyết những lo ngại trên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ KỳRecep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, dù hiểu rõ tình hình, song một số nguồn tin cho hay Mỹ sẽ vẫn áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân là do Tổng thống Trump cần phải “trấn an sự tức giận trong giới nghị sĩ Mỹ” khi mà họ mới thông qua dự luật mở đường áp đặtlệnh trừng phạt kinh tế với Ankara.
“Chúng tôi không muốn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chuyện này sẽ xảy ra và nó sẽ ảnh hưởng tới Thổ Nhĩ Kỳ”, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên chia sẻ.
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật hối thúc Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua bản dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2020, trong đó nhấn mạnh tới việc kéo dài thêm thời hạn cấm chuyển giaotiêm kích F-35 cho Ankara.
Tất cả những biện pháp trên là nhằm ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga. Dù là hai quốc gia đồng minh trong khối quân sự NATO, song Mỹ nhiều lần lên tiếng đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ mua S-400 chiểu theo Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ bằng lệnh trừng phạt (CAATSA).
Do Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga, Nhà Trắng đã ra tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara.
Ankara chọn mua S-400 của Nga sau khi Mỹ từ chối thông qua thương vụ bán các hệ thống tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Liên quan tới thương vụ mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định vũ khí Nga là cần thiết cho nền an ninh quốc gia và từ chối đề nghị của Mỹ về việc từ bỏ mua tên lửa Nga.
Trong khi đó, Mỹ - Thổ cũng đã thống nhất thành lập nhóm công tác chung do các cố vấn an ninh hai nước đứng đầu nhằm giải quyết mọi bất đồng liên quan tới tên lửa S-400. Song cho tới nay, hai bên vẫn chưa đạt được bất cứ kết quả nào