Điểm trắng ở hốc miệng, dấu hiệu cảnh báo ung thư
PGS Nguyễn Thị Hoài An kiểm tra họng cho bệnh nhân. |
Ông Nguyễn Tiến L. 56 tuổi, quê Hải Phòng đến khám bệnh vì thời gian gần đây ông L. thấy họng mình có đốm trắng và hơi thở có mùi hôi. Khi nội soi tai mũi và vùng họng, hốc họng bác sĩ thấy sùi loét ở hốc miệng nên tiền hành sinh thiết.
Kết quả sinh thiết chẩn đoán ung thư vùng hốc họng. Ông L. có tiền sử hút thuốc lào nhiều năm nay và đến nay nguyên nhân ung thư có thể do thói quen hút thuốc này của ông.
Không riêng gì ông L. trường hợp bà Vũ Thị Mân – 78 tuổi, Thanh Ba, Phú Thọ cũng đến viện vì đau họng kéo dài, loét ở lưỡi gà sau lưỡi. Bác sĩ chẩn đoán bà Mấn bị ung thư hốc miệng.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Bệnh viện đa khoa An Việt, Hà Nội cho biết ung thư hốc miệng là bệnh ung thư khá phổ biến. Tỷ lệ của ung thư miệng tăng dần theo tuổi, lên một cách rõ rệt sau tuổi 40, tuổi gặp nhiều nhất là 60-70, ít khi tìm thấy ở người trẻ.
Tại Bệnh viện An Việt, các bác sĩ gặp nhiều trường hợp đau họng, có loét ở vùng hốc miệng… thậm chí người bệnh đứng trước gương phát hiện bất thường trong miệng nên đi khám. Có nhiều trường hợp nội soi nghi ngờ ung thư hốc miệng và giới thiệu tới Bệnh viện K hoặc Tai Mũi Họng trung ương kiểm tra thì phát hiện ung thư hốc miệng. Theo bác sĩ An, ung thư hốc miệng thường tiến triển nhanh, di căn hạch cổ. Ung thư hốc miệng xâm lấn tại chỗ ít khi di căn xa.
Những thói quen xấu dễ bị ung thư hốc miệng
Dấu hiệu của ung thư hốc miệng đó là những vết loét không lành sau 2 tuần không rõ nguyên nhân dù đã loại bỏ các yếu tố kích thích, trong hốc miệng có tổn thương xơ chai, cứng, tổn thương chồi gồ dạng bông vải hay khối u, tổn thương dính chặt vào mô bên dưới, ổ răng nhổ không lành, răng lung lay không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ An cho biết, mọi người có thể tự đứng trước gương xem kỹ vùng ngoài miệng, phát hiện sự bất đối xứng hoặc khiếm khuyết ở da, những thay đổi bất thường về màu sắc và hình dạng. Tự kiểm tra vùng miệng và cổ thường, đặc biệt lưu ý đến những vùng dễ bị ung thư.
Quan sát và dùng tay kiểm tra hạch cổ, nếu có hàm răng giả thì phải lấy ra trước khi khám. Nên kiểm tra theo một trình tự nhất định để không bỏ sót vùng nào.
Để kiểm tra các phần trong miệng, cần há miệng vừa phải để quan sát môi, nướu và đáy hành lang trước. Há miệng lớn, banh má về một bên để quan sát màu sắc, hình dạng. Sau đó há miệng vừa phải, xem đáy hành lang trên và dưới. Lặp lại giống như thế ở phía má bên kia.
Cách phòng ung thư hốc miệng đó là nên bỏ hút thuốc lá, uống rượu, vì ngoài tác hại gây ung thư, hai thói quen xấu này còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân như gây bệnh tim mạch, ung thư (phổi, miệng, hầu, thanh quản...) và sức khỏe răng miệng (làm đen răng, tạo cao răng, gây bệnh nha chu...).
Ngay kể cả việc dùng thuốc lá tại chỗ nhai thuốc lá, xỉa thuốc cũng đều ảnh hưởng tới niêm mạc hốc miệng dễ gây ung thư hốc miệng.
Nhiều bằng chứng đã cho thấy nguy cơ ung thư hốc miệng sẽ giảm nhiều nếu bỏ được thuốc lá. Bỏ hút thuốc lá 10 năm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư hốc miệng ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc. Lưu ý không được lạm dụng các loại nước súc miệng có cồn, nhất là khi hút nhiều thuốc lá.
Hút thuốc lá thụ động cũng gây ung thư hốc miệng, các nghiên cứu chỉ ra rằng môi trường nhiễm khói thuốc lá là nguyên nhân chính của nhiều căn bệnh, trong đó có ung thư hốc miệng.
Điều trị ung thư hốc miệng chủ yếu là phẫu trị và xạ trị, hóa trị chỉ là hỗ trợ, mục tiêu của việc điều trị là khỏi bệnh và đảm bảo chức năng thẩm mỹ có thể chấp nhận được.
Việc phát hiện sớm ung thư hốc miệng có vai trò quan trọng trong điều trị và tiên lượng. Nếu tổn thương nhỏ, 60-70% bệnh nhân sống sau 5 năm điều trị, tổn thương hơi lớn khả năng sống sau 5 năm giảm còn 40-50%. Nếu phát hiện trễ, qua giai đoạn di căn hạch tỷ lệ chữa khỏi bệnh giảm nhiều.
Tránh xa thuốc lá, uống rược bia có chừng mực, bỏ thói quen nhai trầu xỉa thuốc, hạn chế tiếp xúc tia UV, vệ sinh răng miệng kỹ và chỉnh sửa răng giả làm sai là các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa ung thư hốc miệng.