Điểm mặt chiến hạm ‘khủng’ của Trung Quốc sẽ tập trận với Nga
Thẩm Dương, là tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type-051C có số thân tàu là 115. Con tàu này chính thức được biên chế vào phục vụ trong lực lượng hải quân Trung Quốc từ năm 2006, và vẫn đang là một trong những tàu khu trục tên lửa mới nhất của do Trung Quốc tự phát triển và sản xuất. Hiện khu trục hạm Thẩm Dương đang phục vụ trong hạm đội Bắc Hải với nhiệm vụ chủ yếu là phòng không.
Con tàu có tổng chiều dài 154 mét, rộng 17,1 mét, cao 35 mét, với tải trọng tối đa 6.600 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý, tốc độ hành trình 17 hải lý và có thể di chuyển ở bất kỳ vùng nước nào ngoại trừ cho các khu vực đóng băng và vùng cực.
Vũ khí chính của con tàu khu trục này bao gồm 2 tổ hợp tên lửa phòng không được nhập khẩu từ Nga, 2 tổ hợp tên lửa dẫn đường chống tàu ngầm, một pháo đơn nòng 100 mm, 2 hệ thống vũ khí chống tiếp cận Type-730 (CIWS) và hai tổ hợp (mỗi tổ hợp 3 ống) phóng ngư lôi chống tàu ngầm.
Thạch Gia Trang cũng là một mẫu tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường Type-051C mang số thân 116, bắt đầu phục vụ trong hải quân Trung Quốc từ năm 2007 và cùng ở hạm đội Bắc Hải giống như Thẩm Dương.
Đặc biệt, trong cuộc tập trận hải quân phối hợp với Nga lần này, Trung Quốc đã cử cả tàu khu trục mang tên lửa Yên Đài (Type-054A) với số thân 538 vừa được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2011. Đây là mẫu tàu chống ngầm đầu tiên của Trung Quốc có khả năng phòng không khá mạnh.
Yên Đài có chiều dài 134,1 m, chiều rộng tối đa là 16 mét, tải trọng tối đa 4.053 tấn, tốc độ tối đa hơn 27 hải lý, tốc độ hành trình 18 hải lý, tàu có khả năng hoạt động liên tục trong phạm vi 4.000 hải lý (hành trình tối đa 15 ngày trên biển) và có thể chịu đựng được bão biển cấp 12.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yên Đài chủ yếu được trang bị radar ba chiều do Trung Quốc phát triển. Vũ khí của tàu có một hệ thống tên lửa phóng thẳng đứng, hệ thống vũ khí chống tàu ngầm, hệ thống vũ khí chống tiếp cận Type-730 (CIWS), hệ thống tên lửa đối hạm, hệ thống pháo tiên tiến và một hệ thống vũ khí chống tàu ngầm. Ngoài ra, Yên Đài còn có thể mang theo 1 trực thăng Z-9 hoặc Ka-28.
Mới nhất trong số các tàu chiến này là khu trục hạm tên lửa Diêm Thành, thuộc Type-054A bắt đầu phục vụ từ tháng 6/2012 và cùng nằm trong phiên chế của hạm đội Bắc Hải.
Tàu chiến mang tên Vũ Hán cũng là một mẫu tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type-052B thuộc biên chế của hạm đội Nam Hải. Đây là là một trong những tàu chiến chủ lực trong số những tàu khu trục do Trung Quốc sản xuất trong nước có mức độ hiện đại nhất, hiệu suất thiết bị tiên tiến nhất, và khả năng chiến đấu toàn diện mạnh nhất.
Vũ Hán có thiết kế chiều dài 155,5 m, rộng 7,2 m, cao 35 m, tải trọng 5.300 tấn (tải trọng tối đa 5.600 tấn), tốc độ trung bình 18 hải lý, tốc độ tối đa 29 hải lý và khả năng chống gió bão mạnh lên đến cấp 12. Con tàu này có thể hoạt động trong một hải trình tối đa 4.000 hải lý.
Khu trục hạm Vũ Hán được giao các nhiệm vụ khá đa dạng như yểm trợ, phòng không, chỉ huy tấn công vào tàu nổi và tàu ngầm của đối phương, cũng như hộ tống các lực lượng hải quân khác.
Lan Châu Type-052C là một mẫu tàu khu trục tên lửa được hải quân Trung Quốc tự hào đặt cho biệt danh là “Aegis của Trung Quốc”. Đây cũng là một mẫu tàu khu trục được nghiên cứu và thiết kế độc lập bởi Trung Quốc. Tàu có chiều dài 155,5 mét, rộng 17,2 mét, chiều cao 36 m, lượng giãn nước 6.000 tấn, tốc độ hành trình 18 hải lý, tốc độ tối đa 29 hải lý, và khả năng chống gió bão cấp 12.
Lan Châu cũng là tàu chiến đầu tiên của Trung Quốc được trang bị khả năng chống bị phát hiện bởi radar (MPAR), được trang bị hệ thống tên lửa hạm đối không và có thể chỉ dẫn máy bay chiến đấu Trung Quốc tham gia tấn công mục tiêu. Con tàu này còn là tàu chiến đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống tên lửa phóng thẳng đứng HHQ-9. Hệ thống tên lửa HHQ-9 có khả năng ngăn chặn nhiều đợt tấn công từ trên không cùng một lúc.