Điểm danh 5 khẩu pháo mạnh nhất lịch sử thế giới
Pháo cối tự hành 2B1 Oka
Pháo cối tự hành 2B1 Oka được phát triển vào năm 1955 tại Liên Xô. Vũ khí chính là súng cối nòng trơn 420 mm, có thể bắn được cả đạn thông thường và đạn hạt nhân. Chiều dài tổng thể của 2B1 Oka là 20 mét, chiều rộng 3 mét và chiều cao là 5,7 mét. Tầm bắn vào khoảng 25-50 km, tùy thuộc vào loại đầu đạn. Do cỡ nòng lớn và đầu đạn quá nặng, nên tốc độ bắn của 2B1 rất chậm; tốc độ bắn là 5 phút một viên và tốc độ bắn tối đa là 12 viên/giờ.
2B1 Oka sử dụng khung gầm của loại xe tăng mạnh nhất thời bấy giờ - tăng hạng nặng IS-5. Với động cơ diesel turbo V-12-6B có công suất lên tới 750 mã lực. Tuy nhiên do trọng lượng lên tới hơn 50 tấn, dự trữ hành trình của khẩu pháo tự hành hạt nhân này chỉ trong khoảng 180 km. Toàn bộ kíp vận hành bao gồm 6 người còn lại sẽ phải di chuyển trên xe thiết giáp chở quân hoặc xe tải đi theo sau.
Tổng cộng có 4 khẩu 2B1 Oka được sản xuất, nhưng về sau giới chức quân sự quyết định không tiếp tục phát triển dự án này nữa. Bởi vấn đề chính đã không thể giải quyết được là độ giật mạnh gây nguy hại cho chính khẩu pháo. Hiện nay chỉ còn duy nhất một khẩu pháo tự hành 2B1 Oka được Nga trưng bày tại bảo tàng pháo binh ở Saint Petersburg.
Pháo 100 tấn
Pháo 100 tấn của Anh, còn được gọi là pháo 100 tấn Armstrong, được sử dụng từ năm 1877 đến 1906. Khẩu pháo có trọng lượng 103 tấn, cỡ nòng 450 mm và chiều dài nòng 9,2 m. Tầm bắn tối đa là 6.000m. Pháo được thiết kế để bắn các mục tiêu trên mặt nước.
Pháo đường sắt BL 18
Pháo đường sắt BL 18 được chế tạo ở Vương quốc Anh, ngay trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. BL 18 có cỡ nòng 457,2mm và tổng trọng lượng 85,7 tấn. Giới chuyên gia quân sự khi đó cho rằng với việc được đặt trên đường ray BL 18 có thể bao vây lãnh thổ của nhiều quốc gia.
Pháo Type 94
Pháo Type 94 cỡ nòng 460mm là loại pháo hải quân được Hải quân Nhật Bản sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Đây là khẩu hải pháo lớn nhất châu Á được Nhật Bản đặt trên chiến hạm Yamato. Type 94 được phục vụ cho các thiết giáp hạm thuộc lớp Yamato và Musashi.
Khi đó, để giữ bí mật, nhiều tài liệu gọi khẩu pháo này là “pháo hải quân 40cm/45 Type 94”. Theo các tài liệu, khẩu hải pháo này là loại pháo lớn nhất và mạnh nhất trong số các loại pháo hải quân được sử dụng trong chiến tranh, nó có thể bắn ở khoảng cách lên tới 42km.
Pháo Mons Meg
Pháo Mons Meg của Scotland có cỡ nòng phi thường là 520mm, được sử dụng từ năm 1449 đến năm 1680. Mục đích chính là phá vỡ các bức tường pháo đài thành cát bụi với sự trợ giúp của các viên đạn bằng đá, kim loại và đá-kim loại. Mons Meg từng được xem là một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới. Khẩu pháo này nặng lên tới 6 tấn, mỗi lần có thể bắn ra một viên đạn bằng đá nặng 450kg, tầm bắn là 3,2km.
Ở thế kỷ 15, Mons Meg là vũ khí quan trọng để phòng thủ cho thành phố Edinburgh của Scotland. Mons Meg từng được kéo đi 50 dặm (hơn 80km) để đánh chiếm pháo đài Roxburgh năm 1460, mãi đến năm 1829, Mons Meg mới được đưa trở lại pháo đài. Theo các tài liệu, Mons Meg là món quà của Duke Philip xứ Burgundy tặng cho vua James II năm 1457.
Thanh Thảo