Dịch Covid-19 trong con mắt của 'người nhà quê'
Quê nhà những ngày này thật bình yên. Sáng chợt tỉnh giấc bởi tiếng chim ríu rít gọi nhau bên khung cửa sổ, đàn vịt chưa được ăn nhốn nháo kêu cạc cạc phá vỡ không gian yên tĩnh.
Ảnh minh họa. |
Tôi vươn vai một cái, hít hà không khí trong lành của làng quê. Ngó qua bên hiên nhà, mấy chậu lan bố dày công chăm bẵm nay đã hé nụ xinh xinh, những giọt sương long lanh trên kẽ lá cũng thân thương đến lạ.
Tôi biết khi mình đang được tận hưởng những điều tươi đẹp nhất ở quê mẹ thì Đà Nẵng - nơi tôi chồng tôi làm việc - bao người đang phải oằn mình chống đỡ với dịch bệnh, nhất là khi ổ dịch tại thành phố này vẫn diễn biến khó lường.
Đã có rất nhiều sự hi sinh thầm lặng trong chiến dịch chống lại đại dịch Covid-19. Tôi biết có những vị bác sĩ, y tá hàng tháng nay chưa từng về nhà, luôn xung kích ở tuyến đầu chăm sóc, chữa trị cho người bệnh.
Tôi cũng biết có những người lính tự nguyện nhường giường ngủ của mình cho những người cần phải cách ly, trong khi các anh căng lều bạt ngủ dưới nền đất lạnh lẽo.
Tất cả những sự hi sinh này nhằm bảo vệ sức khỏe của toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau và không muốn ai mất đi tính mạng.
Do đặc thù công việc có thể làm online nên cách đây khoảng hơn 1 tháng, khi thằng cu cứ ốm dặt dẹo mãi không dứt, chồng lại bận bịu với những ca trực trong bệnh viện, hai mẹ con tôi đã thu dọn hành lý về quê ở cùng ông bà ngoại. Theo lời một số đồng nghiệp thì tôi là người may mắn vì “luôn có quê để về”. Tôi cũng cảm ơn trời đất vì cho mình nhiều đặc ân đến vậy khi hiện giờ vẫn được yên bình ở quê mẹ và ngồi đây viết những dòng này.
Người dân quê tôi sống tình cảm lắm, từ xa xưa đến giờ đều thế. Có gì ngon hàng xóm đều í ới mang cho nhau ăn, bắt được mớ ốc ở ao cũng mang chia nhau, quả mít chín cũng cắt cho mỗi nhà một miếng. Đúng kiểu “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”.
Thế nhưng hôm vừa rồi thấy tôi đang chơi với con ở sân, bỗng một bà cô đi xe đạp ngang qua ngõ dừng xe chạy vào mắng tôi xơi xơi: “Ở Đà Nẵng về thì phải tự cách ly, tránh gặp mọi người chứ, không cẩn thận lây bệnh ra cả vùng này có chịu nổi trách nhiệm không? Không suy nghĩ, không lo lắng gì cho mọi người à?”. Tôi sốc vì đột nhiên bị chỉ trích đến “chói tai” chỉ kịp ú ớ “Cháu về cả tháng nay rồi mà”.
Ngẫm lại, người nhà quê là thế, thấy gì thì nói nấy, nói một cách hồn nhiên, chất phác nên tôi cũng chẳng thể giận. Họ không hiểu nên cứ nghĩ làm việc ở Đà Nẵng thì phải tránh, không cần biết là về bao giờ nhưng đó là nơi lây nhiễm bệnh nên từ trong suy nghĩ họ đã rất sợ.
Họ sợ dịch bệnh mà đến sẽ phá tan sự yên bình, trong trẻo của vùng quê này. Nơi đây, để có thể duy trì cuộc sống, con người đã phải rất vất vả ngày đêm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nếu dịch bệnh đến họ không biết chống đỡ sao...
Những lời nói thẳng luôn là lời thật, như lời bà cô tôi thì đúng tinh thần “ai ở đâu ở yên đấy”, để có thể đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Dịch bệnh thì chẳng ai có thể nói trước được. Với tình hình diễn biến như hiện nay, có lẽ, trước khi chờ người khác cứu, mỗi chúng ta phải học cách tự “cứu” lấy mình, tự đảm bảo an toàn cho mình, hãy "đứng yên khi Tổ quốc cần".
Ngẫm lại, lời cô ấy nói tuy hơi “chói tai” nhưng ở nhà lúc này, không di chuyển là hành động ý nghĩa nhất đối với những những y bác sĩ, lực lượng an ninh… đang ngày đêm oằn mình phòng, chống dịch. Và đó cũng là cách tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và giữ cho quê hương, cộng đồng luôn được yên bình.
Hoàng Thanh