Dịch Covid-19: Tránh sơ hở như nhân viên siêu thị
Ảnh minh họa |
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuyên gia khuyến cáo một số biện pháp để người dân chủ động phòng ngừa chủng virus nguy hiểm này.
Ngày 11/3, Bộ Y tế thông báo một nhân viên của siêu thị Điện máy Xanh tại Đà Nẵng dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, nữ nhân viên này đã tiếp xúc với hai du khách Anh - được xác định là mắc Covid-19.
Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy khi tiếp xúc với hai khách này, các nhân viên của siêu thị đều đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khi trao đổi tư vấn với khách, họ lại kéo bỏ khẩu trang xuống.
Theo PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), "điểm chết" của lây nhiễm là nhân viên đã kéo khẩu trang xuống qua cằm. Khi trao đổi, nhân viên này có thể nhiễm virus trực tiếp từ giọt bắn của người mang virus hoặc từ giọt bắn rơi xuống tủ hàng và vô tình đưa tay lên mặt, "mở đường" cho virus đi vào cơ thể.
PGS Trần Đắc Phu cho biết dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn phức tạp hơn và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại Việt Nam, số ca mắc, nghi mắc do có tiếp xúc với người mắc liên tục tăng. PGS Phu cho rằng hiện nay cách phòng bệnh tốt nhất là cá nhân tự có ý thức phòng bệnh.
PGS Phu cho biết các quy tắc "nằm lòng" cần nhớ là đeo khẩu trang ở nơi đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nếu không tiện thì có thể sử dụng nước rửa tay khô, cồn để diệt khuẩn.
Ở nhà, mọi người nên thường xuyên lau dọn nhà cửa, mở cửa phòng thông thoáng. Cơ quan, công sở cũng nên vệ sinh thường xuyên, lau dọn phòng ốc, phun khử trùng.
Những người được xác định là F3, F4 cần theo dõi sức khỏe của mình và của người F1, F2 để đảm bảo tuân thủ cách ly. Khi có triệu chứng sốt, ho, cần liên hệ tới các cơ sở y tế, đường dây nóng của Bộ Y tế để được tư vấn hướng dẫn.
PGS Phu cho biết không nên quá hoang mang, lo lắng vì ông biết nhiều trường hợp được xác định là F4, F5 nhưng lại lo lắng thái quá.
Đối với việc đeo khẩu trang, PGS Phu khuyến cáo người dân có thể đeo khẩu trang vải, khẩu trang y tế đều được, tuy nhiên, cần đeo đúng cách.
Những người làm công việc bán hàng, tiếp xúc với nhiều người thì cần cẩn trọng và thường xuyên rửa tay để đảm bảo không lây bệnh.
Khuyến cáo những nhóm người có nguy cơ mắc Covid-19
Theo PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, những người có nguy cơ mắc virus corona chủng mới là những người đi từ vùng dịch trở về; những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người nhiễm bệnh; những người cùng chung sống, sinh hoạt với người nhiễm bệnh, những người đi cùng máy bay, ôtô, tàu..., trong các cuộc tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh; những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh; những người nhà, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
Nói tóm lại, những người có nguy cơ cao là những người tiếp xúc với nguồn bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt.
Theo Bộ Y tế, bệnh Covid-19 thường nhẹ nhưng lại lây truyền rất nhanh. Những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương là nhóm nhân viên y tế, người trên 60 tuổi, những người có bệnh lý nền về tim, phổi, đái tháo đường hay suy giảm miễn dịch.
Hiện tại cứ 5 người nhiễm Covid-19 thì 4 người có các triệu chứng nhẹ như sốt và ho khan. Tính đến nay có 95% số người mắc Covid-19 đã phục hồi hoặc đang phục hồi.
Trẻ em và trẻ vị thành niên rất ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và hầu hết các trường hợp mắc thuộc đối tượng này có các triệu chứng nhẹ.
Các ca mắc Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, toàn thế giới đã có 132.900 người mắc Covid-19 tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 4.900 người đã tử vong.