Đi câu cá, hai thanh niên bị điện giật
Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị tai nạn điện giật nghiêm trọng trong đó có trường hợp đi câu cá tại nơi có nguồn điện cao thế.
Mới đây, bệnh nhân L T T (25 tuổi, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đi câu cá bị điện giật do cần câu sắt vướng vào dây điện ba pha. Bệnh nhân bị mất ý thức khoảng 5 phút sau điện giật, bỏng độ 2, 3 (toàn bộ vùng cánh tay phải, hai bên chân, các đầu ngón tay).
Chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, xử trí hồi sức tích cực theo phác đồ, chăm sóc vết bỏng, điều trị dự phòng nhiễm khuẩn. Quá trình theo dõi phát hiện tay phải bệnh nhân sưng nề, chèn ép khoang. Bệnh nhân được phẫu thuật giải áp. Sau 7 ngày điều trị, các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục vận động tốt.
Bệnh nhân bị điện giật được chăm sóc và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy |
Trường hợp khác là bệnh nhân L A T (18 tuổi, TP Hạ Long) cũng bị điện giật khi đi câu cá tại nơi có nguồn điện cao thế. Sau khi được sơ cứu tại trung tâm y tế tuyến dưới, bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau đớn, kích thích, bỏng độ 2,3 nửa người bên phải. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, chăm sóc và điều trị hồi sức tích cực. Sau 1 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, theo dõi sát tình trạng diễn biến tốt.
Ngoài ra, bệnh viện đã cấp cứu kịp thời cho một số trường hợp người bệnh bị điện giật ngừng tim do tai nạn sinh hoạt.
“Người bệnh bị điện giật có thể bị bỏng trên da hoặc vào các mô sâu hơn tại vị trí dòng điện thâm nhập, co giật, co cơ, hội chứng khoang, tiêu cơ vân…; ngã dẫn đến gẫy xương sống, chấn thương nội tạng, chấn thương kín…; tổn thương não, tủy sống và thần kinh ngoại biên, nghiêm trọng nhất là ngừng thở, ngừng tim dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.” – bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.
Từ các trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo:
Người dân cần thận trọng khi làm việc, di chuyển tại các khu vực có điện lưới, đặc biệt trong những người trời mưa ẩm, những nơi có trạm điện, đường điện cao thế, trang bị đồ phòng hộ chuyên dụng khi sửa chữa điện lưới…
Lưu ý khi phát hiện người bị điện giật cần nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt thiết bị đóng cắt điện, cầu dao, rút phíc cắm, cầu chì…
Túm vào quần, áo khô của người bị nạn để kéo người bị nạn ra khỏi nguồn điện, đặt ở nơi thoáng khí, yên tĩnh. Người cấp cứu tại chỗ phải đứng ở nơi khô ráo, trên vật cách điện, tay có găng tay cách điện hoặc quấn thêm vải khô, túi nilông và không được túm vào các bộ phận cơ thể người bị nạn.
Khẩn trương chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Mỗi người dân cần trang bị kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ do sự cố điện, tập huấn các kĩ năng sơ cấp cứu cơ bản tai nạn do điện giật để kịp thời tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực… đối với các trường hợp ngưng tim sau điện giật, hạn chế nguy cơ tử vong cho người bị nạn.
K.Chi