Đi bán rong để kiếm tiền… thuê người làm ruộng
Kiếm từng đồng để thuê người cấy ruộng
Tôi mời bà vào uống chén nước gần đấy mà bà có phần e ngại, phải nói vài lần bà mới đứng dậy đi theo tôi. Cầm cốc trà đá uống, cảm giác như bà mừng vui lắm, cứ nói đi nói lại câu cảm ơn.
Rồi bà kể, bà lấy người chồng đầu tiên được khoảng 10 năm không có con thì hai người bỏ nhau. Bà lấy người chồng thứ 2, sau khoảng 10 năm nữa cũng không có con nên ông bà bàn nhau đi xin con nuôi, một đứa bé 2 tháng 4 ngày tuổi.
Nuôi con cực khổ trăm bề, tiền không có mà mua sữa cho con, cả nhà chỉ quanh quẩn trông vào vài sào hoa màu đến ngày thu hoạch mang ra chợ bán để tích cóp mua thức ăn khô cho con. Bé hay đau yếu, ở viện thường xuyên…
Bà Hải với giỏ hàng thập cẩm của mình |
Hai vợ chồng bà hùng hục làm ăn đến khi ngẩng mặt lên, con gái đã lớn, xin vào Vĩnh Long làm ăn cùng bạn bè rồi ở lại lấy chồng, sinh con luôn ở trong đấy. Bà rưng rưng nước mắt kể, từ ngày con gái đi xa, 2 mẹ con chưa được một lần gặp lại vì xa xôi, vì tốn kém tiền của đi lại.
Bà buồn buồn bảo “Từ ngày nó đẻ con, tôi chưa vào chăm nó được một ngày, càng nghĩ càng thấy sao cuộc đời mình buồn thế. Mỗi lần điện thoại là mỗi lần cả 2 mẹ con đều khóc vì cảnh nghèo khổ, phải xa nhau, thương con, thương cháu mà không có tiền để vào thăm. Còn con gái thì nức nở vì thương tôi già cả mà vẫn phải đi rong khắp Hà Nội bán hàng kiếm tiền nuôi thân”.
Nhà bà có 2 sào ruộng, chồng bà sức yếu không cáng đáng được, phải thuê anh chị em trong nhà cấy hái giúp. Đi rong khắp Hà Nội mỗi ngày được lãi khoảng 150-200 nghìn, bà tiết kiệm gửi về cho chồng để ông trả tiền thuê làm đồng cho anh chị em. Đến mùa thu hoạch, ông bà lại phơi phóng rồi cất đi làm lương thực cho cả năm trời.
Ở nhà quê, việc tự túc gạo, rau là chuyện bình thường nhưng với gia đình bà là cả một sự cố gắng lớn. Ông không làm đồng được thì trồng vài cây rau, tranh thủ chăm bón để vào vụ bà nghỉ việc ngoài Hà Nội về phụ ông hái rau ra chợ bán, kiếm thêm đồng mua thức ăn.
Mong có đủ tiền vào thăm con…
Bà ở thuê trên phố Hàm Tử Quan. Cách ngày lại đi lại những cung đường quen thuộc. Bà bán đủ các mặt hàng, từ tăm, bấm móng tay, giẻ rửa bát, lược, ví… mỗi bữa ăn sáng 5.000 tiền xôi, trưa thì nói khó để các hàng cơm bán rẻ cho, khoảng 10.000-15.000 đồng/suất, tiền thuê trọ mất 14.000 đồng/ngày, vị chi mỗi ngày phải tiêu pha 35.000 đồng.
Bà bảo “mức ấy là cố gắng tằn tiện nhất có thể rồi cô ạ nên tôi lại nấn ná bán thêm kể cả khi trời đã dần về tối”. Ngày thì bà đi khắp khu vực chợ Long Biên, Đồng Xuân, khu phố cổ, đê Yên Phụ, ngày hôm sau bà lại xuống mạn Minh Khai, Lĩnh Nam, trưa đi đến đâu ăn ở đấy.
Nhiều khi mệt nhưng không dám nghỉ uống cốc nước vì một cốc nước mất cả vài nghìn. Bà bảo, phải cố gắng tiết kiệm từng đồng mới có thể dành dụm được ít tiền, còn có thể vào miền Tây thăm con, thăm cháu.
Bà tâm sự: “Mới ngày hôm qua con gái điện ra bảo nhớ mẹ quá, cháu ngoại cũng thèm hơi bà. Nó bảo tôi cố gắng tiết kiệm, vay mượn vào với nó rồi nó sẽ lo cho tôi ra nhưng tôi không thể làm khổ con mình được. Mình vào phải có quà cáp cho cháu chứ, rồi phải có tí gì giúp con chứ, mình là mẹ cơ mà, sao phải để con bận tâm khi nó phải nuôi con nhỏ. Nghĩ thế nên mãi mà chẳng thể có được ít vào với con cô ạ”.
Rồi bà chép miệng than thở: “Giá như sức khỏe của tôi tốt hơn thì chắc cũng kiếm được khoản để vào với con sớm hơn. Đằng này, mỗi tháng tôi chỉ đủ sức đi rong được khoảng nửa tháng, kiếm đủ tiền thuê nhân công làm đồng áng là tôi lại về quê, vừa nghỉ lấy lại sức khỏe, vừa phụ chồng trồng rau, thêm vào tiền công làm lúa… Thế thì lấy đâu ra dư giả mà vào với con”.
Nhìn hình ảnh bà vội vàng bước thấp bước cao trong cái nắng oi bức của Hà Nội để tranh thủ bán thêm được ít hàng trước giờ ăn trưa mà tôi không khỏi chạnh lòng…