ĐH Luật TP.HCM: Được thu học phí 16 triệu đồng/năm
Trường ĐH Luật TP.HCM được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của trường;
Xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường đảm báo tính công khai, minh bạch thực hiện ưu tiên theo quy định;
Quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy, phương pháp thi; kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ) đảm bảo chuẩn đầu ra mà trường cam kết. Thực hiện kiểm định chất lượng theo quy định;
Quyết định hợp tác trong nghiên cứu và triển khai với các đối tác quốc tế, nhất là với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức thực hiện các chương trình liên kết đào tạo;
Quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học…
Về tổ chức bộ máy, nhân sự, trường quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Đồng thời, quyết định tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ viên chức và lao động hợp đồng trên cơ sở quy chế và chủ trương được Hội đồng Trường thông qua; quyết định việc ký kết, chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động trong các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
Về học phí, trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và quy định tại Quyết định này.
Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy năm 2017-2018 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm học; năm học 2018-2019 là 17 triệu đồng/sinh viên/năm học; năm học 2019-2020 là 17,5 triệu đồng/sinh viên/năm học; năm học 2020-2021 là 18 triệu/sinh viên/năm học.
Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành (18/4/2017) trường tăng học phí với mức tăng tối đa không quá 30% của năm trước liền kề.
Trường quyết định mức thu học phí đối với các trình độ đào tạo khác tại trường với mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ là 2,5 lần; thạc sĩ là 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên.
Học phí của chương trình đào tạo tại trường theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.
Trường quyết định mức học phí đối với chương trình đặc thù theo đề án chương trình được cơ quan nhà nước phê duyệt.