Đền thờ Maya hoang tàn sau ‘ngày tận thế’
Đền II tại khu di tích Tikal, Guatemala. |
“Thật đáng buồn, nhiều du khách trèo lên Đền II và phá hỏng nó. Chúng tôi không phản đối các lễ hội diễn ra tại đây, nhưng du khách đáng lẽ phải có ý thức vì đây là một di sản văn hóa thế giới của UNESCO”, Osvaldo Gomez, một nhân viên tại khu bảo tồn cách thành phố Guatemala City khoảng 550 km, nói. Gomez khẳng định, thiệt hại là không thể khắc phục nhưng không cung cấp thêm thông tin về hành vi xâm hại của khách du lịch.
Đền II cao khoảng 38 m và nằm đối diện với quảng trường trung tâm Tikal, một trong những công trình nổi tiếng nhất tại khu di tích.
Vào “ngày tận thế (21/12)” tuần trước, hơn 7.000 du khách đổ về Tikal để xem các pháp sư Maya bản địa thực hiện một nghi lễ đầy màu sắc và thắp sáng những ngọn lửa, khi mặt trời lộ diện đánh dấu kỷ nguyên mới theo lịch của người Maya.
Nhiều người chỉ trích rằng, sự kiện này chỉ nhằm thu hút khách du lịch mà không phục vụ cho người bản địa. Khoảng 42% trong tổng số 14,3 triệu người dân Guatemala là người Maya bản địa, nhưng hầu hết họ sống trong cảnh nghèo khổ và bị phân biệt đối xử.
Người Maya cổ đại đạt đến đỉnh cao phát triển ở Trung Mỹ từ năm 250 đến 900 sau Công nguyên. UNESCO công nhận Tikal là di sản văn hóa thế giới vào năm 1979.
Bình An