Đến năm 2025, 100% dữ liệu khám chữa bệnh có thể chia sẻ giữa các cơ sở y tế tỉnh Bến Tre
UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành quyết định chương trình chuyển đổi số ngành y tế Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đây là chương trình được xác định là rất cần thiết để nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh trong hoạt động của ngành theo hướng hiện đại, thông minh.
Theo Đề án chuyển đổi số của tỉnh, đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% dữ liệu khám chữa bệnh có thể chia sẻ giữa các cơ sở y tế của tỉnh; Có đảm bảo tính riêng tư, bảo mật nhưng tránh lãng phí chi phí của người dân đến khám, người bệnh.
Thúc đẩy dịch vụ khám chữa bệnh từ xa (Tele-Medicine) bằng cách chuẩn hóa, pháp lý hóa một số lĩnh vực cụ thể trong y tế có thể thay thế cách khám chữa bệnh truyền thống bằng việc khám chữa bệnh từ xa, nhằm nâng cao chất lượng và số lượng người được tiếp cận với hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe của tỉnh. Việc phát triển nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai đồng bộ với nền tảng kết nối các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.
Để đạt được mục tiêu này, chương trình tập trung vào việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong công việc. Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình vận hành, khai thác hạ tầng, ứng dụng trong công việc của cán bộ, công chức ngành y tế trong việc xử lý các công việc hàng ngày.
Triển khai dự án xây dựng hệ thống quản lý y tế thông minh tỉnh để cải tiến phương thức quản lý hệ thống y tế tỉnh, lấy người bệnh làm trung tâm; giúp cho nhân viên y tế và người bệnh dễ dàng truy cập thông tin y tế, giảm thiểu tai biến y khoa trong cung cấp dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong ngành y tế được xác định trong kế hoạch là: chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam và chuyển đổi số trong bệnh viện. Trong hệ thống các bệnh viện ưu tiên cho các nội dung như: triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu. Đồng thời, bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân…) trên mạng, nhằm nâng cao khả năng tự động hóa. Đồng bộ mã số định danh y tế (ID), sử dụng mã số bảo hiểm xã hội của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc.
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh theo lộ trình, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt. Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh…
Triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh từ Bộ Y tế, ưu tiên một số lĩnh vực sau: kết nối các thiết bị liên quan đến chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý vạn vật y tế kết nối (Internet of Medical Things - IoMT) làm nền tảng xây dựng các hệ thống chuyên gia hỗ trợ ra quyết định lâm sàng. Phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng kết hợp chặt chẽ và thực hiện tức thời (Real-Time) cùng với hồ sơ sức khỏe điện tử; Hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh; Hỗ trợ phẫu thuật; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các chuyên ngành sâu như chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi…
H. Anh