Đến lượt Mỹ lo sợ khi Thủ tướng Abe nắm quyền
Mối lo ngại về Abe ở Washington đã xuất hiện trước cuộc bầu cử Thượng viện hôm 21/7. Hồi tháng Năm, Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đã đưa một báo cáo, trong đó cảnh báo rằng quan điểm của ông Abe về lịch sử không có lợi cho Mỹ.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Obama gặp nhau ở Nhà Trắng hồi tháng 2/2013. |
Báo cáo viết: "Những lời bình luận và hành động về các vấn đề lịch sử của Thủ tướng Abe và Nội các của ông đã làm gia tăng mối lo ngại rằng Tokyo có thể sẽ làm đảo lộn các mối quan hệ trong khu vực theo cách có thể làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Cách tiếp cận của ông đối với các vấn đề như 'nô lệ tình dục' từ thời Thế chiến II, sách giáo khoa lịch sử, thăm đền Yasukuni Shrine, nơi tôn vinh những lính Nhật đã chết trong chiến tranh, và tuyên bố về những tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc sẽ được các nước láng giềng của Nhật Bản và Mỹ quan sát kỹ”.
Những lo ngại của Washington về Abe cũng đã được phản ánh trong phản ứng của Mỹ đối với những lời phát biểu của Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto rằng hệ thống ‘nô lệ tình dục’ là một sự cần thiết trong thời chiến. Những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Hashimoto của Bộ Ngoại giao Mỹ được xem là chỉ trích gián tiếp của Mỹ đối với những lời bình luận tương tự của ông Abe và của một số thành viên trong Nội các của ông.
Tại một cuộc họp báo tại Washington hôm 22/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với kết quả bầu cử Thượng viện ở Nhật Bản hôm 21/7.
Ông nói: "Sự thật là Nhật Bản đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề gai góc với một số nước láng giềng. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các nhà lãnh đạo và công chúng sẽ hành động dựa vào sự khôn ngoan, lợi ích chung, đồng thời sẽ có những hành động và quyết định với một cái nhìn hướng tới tương lai”.
"Liên quan đến các vấn đề cụ thể, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông, Mỹ luôn kiên định và rõ ràng, với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng tôi không đứng về phía nào trong những tranh chấp lãnh thổ này. Chúng tôi tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ việc xây dựng một tiến trình ngoại giao có thể giải quyết những khác biệt theo cách làm giảm đi những căng thẳng”, ông Russel nói thêm.