'Đến kỳ họp Quốc hội là giá xăng giảm'
Tại buổi thảo luận sáng 30/5 về kinh tế - xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, tình trạng ban hành các văn bản quy định pháp luật xa rời thực tế, thiếu khả thi của các bộ ngành đang rất đáng báo động. Các quy định thiên về xử phạt hơn trong khi đây là biện pháp cuối cùng để chính sách đi vào cuộc sống.
Bà Nga dẫn chứng, suốt 6 năm qua các cơ quan có trách nhiệm đã buông lỏng quản lý chất lượng và quản lý thị trường ngay từ khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm. Khi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào cuộc mới phát hiện số mũ không đảm bảo chất lượng phổ biến tới 70%.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga: "Trong một tuần, một tháng mà các bộ liên tục đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một chính sách, thể hiện sự bất nhất, thiếu tầm nhìn". |
Như vậy, chính sách đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân chỉ đạt được 2/3 yêu cầu. Tuy nhiên, thay vì xử lý những cá nhân có trách nhiệm quản lý thị trường, tiêu chuẩn chất lượng thì một số bộ lại đề xuất giải pháp phạt người tiêu dùng khi họ đội mũ kém chất lượng tham gia giao thông.
“Cử tri có quyền đặt câu hỏi, khi buông lỏng bỏ mặc cho mũ rởm hoành hành, khi thì thắt chặt quản lý đột ngột và đề xuất xử phạt người tiêu dùng, tất yếu sẽ tạo ra một cơn sốt mũ chuẩn. Vậy ai bị thiệt hại? Ai được hưởng lợi? Việc hàng ngàn tỷ đồng của dân bỏ ra để mua phải 70% mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng để lưu hành 37 triệu xe máy thuộc trách nhiệm của ai? Không lẽ chỉ là lỗi của dân. Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học cần làm rõ để trả lời cử tri”, bà Nga chất vấn.
Bên cạnh đó, tình trạng văn bản ban hành quá chậm không theo kịp yêu cầu cuộc sống, nghị định luôn phải chờ thông tư hướng dẫn. Bà Nga lấy ví dụ nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu bất hợp lý, cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng nghị định này vẫn không được sửa đổi. “Trong khi đó, cứ đến kỳ họp Quốc hội là giá xăng dầu giảm hoặc “án binh bất động” để làm yên lòng các đại biểu. Xong rồi thì đâu lại vào đấy”, bà Nga bức xúc.
Cá biệt hơn, theo bà Nga, có khi trong một tuần, một tháng mà các bộ liên tục đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một chính sách, thể hiện sự bất nhất, thiếu tầm nhìn và thiếu vai trò điều phối trong tư duy quản lý điều hành.
“Những văn bản như vậy gây bức xúc dư luận, mất lòng tin trong dân, mất uy tín nhà nước, giảm hiệu lực quản lý. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo tình trạng nhờn pháp luật”, bà Nga đánh giá.
Theo bà Nga, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác thẩm định của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành theo thẩm quyền chưa tốt, giữ vai trò gác cổng nhưng đã để lọt khá nhiều. Trong một số trường hợp, Bộ Tư pháp tuy đã thể hiện tốt vai trò, chính kiến bằng việc đề xuất tạm dừng các văn bản chưa hợp lý, song vẫn có trường hợp phản ứng chậm, hoặc không đủ thẩm quyền nên phải đẩy lên Thủ tướng, như việc ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân.
Bà Nga cho rằng trách nhiệm thẩm định văn bản thuộc về bộ phận pháp chế của bộ ngành đó, nên không loại trừ chính các bộ ngành vì lợi ích cục bộ, muốn tạo thuận lợi cho mình nên đẩy cái khó cho người khác.“Tuy có những tồn tại rất lớn như nêu trên, nhưng hàng chục năm qua chưa thấy cán bộ nào bị thôi việc hay giáng chức, bồi thường do ban hành văn bản sai” - bà Nga nhận xét.
Kết luận, bà Nga đề nghị Quốc hội sớm tiến hành giám sát tối cao về chấp hành luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cũng cần xây dựng cơ chế thẩm định thông tư khách quan hơn, tiến tới bổ sung vào luật và tăng thẩm quyền cho cơ quan kiểm tra văn bản sau khi ban hành.
THANH LƯU