Đề xuất các giải pháp để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống
![]() |
Toàn cảnh hội thảo. |
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn những nội dung cơ bản, cốt lõi, những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XII của Đảng; đề xuất các giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện, vận dụng đưa Nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng, chỉ rõ đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội XII là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, chứa đựng nhiều nội dung phong phú, sâu sắc, toàn diện từ kinh tế, chính trị, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - con người, quản lý phát triển xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại đến xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... Những nội dung đó có rất nhiều điểm mới cần được nhận thức đầy đủ, được quán triệt sâu sắc để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới.
Để Hội thảo đạt mục tiêu đề ra, đồng chí đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tham dự hội thảo tập trung làm rõ những luận điểm mới của Văn kiện XII đặt trong bối cảnh mới, với những diễn biến khôn lường cả ở trong nước và quốc tế. Việc quán triệt cần khẳng định những giá trị trong Văn kiện Đại hội XII, đồng thời, cần tìm giải pháp để cụ thể hóa, thể chế hóa những luận điểm này trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng kết kết thực tiễn, đặc biệt là trên cơ sở kinh nghiệm, bài học trong suốt nhiệm kỳ qua, cũng như trong 30 năm đổi mới.
Với hơn 120 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học gửi tới Hội thảo, cùng nhiều ý kiến phát biểu, Hội thảo tập trung làm rõ các nội dung về: Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người và phát huy nhân tố con người, quản lý tốt sự phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Những điểm mới, then chốt trong công tác xây dựng Đảng…
Về cơ bản, các tham luận, ý kiến phát biểu đều khẳng định tầm quan trọng việc quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện quyết liệt, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống hiện nay. Nếu Nghị quyết của Đảng không chuyển hóa thành hành động của các ngành, các cấp, thì Nghị quyết của Đảng không trở thành hiện thực.
Các đại biểu cũng tập trung làm sáng tỏ về nội dung, giải pháp “tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”; vấn đề đối ngoại, hợp tác, đấu tranh để bảo đảm chủ quyền, lợi ích của quốc gia dân tộc trong bối cảnh thế giới, khu vực đang thay đổi nhanh, khó dự đoán. Nhận thức về cách thức, biện pháp để phát huy sức mạnh toàn dân tộc; những giá trị mang tính phổ quát về dân chủ và đặc trưng của dân chủ XHCN; quan hệ dân chủ với đổi mới và phát triển, đặc biệt là cơ chế phát huy dân chủ XHCN trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, định hướng những bước đi của đất nước 5 năm tới trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại...Các văn kiện Đại hội XII đã được chuẩn bị rất công phu, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn sau 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Tiếp tục kế thừa các thành quả của các kỳ đại hội trước, nhất là Đại hội XI, những định hướng lớn đã được thể hiện trong chủ đề Đại hội, đồng thời cũng là tiêu đề Báo cáo Chính trị: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.