Đề xuất bồi thường, cấm đấu giá đất 5 năm nếu bỏ cọc cần xem xét thấu đáo
Trước đề xuất bồi thường, cấm đấu giá 5 năm đối với hành vi tự ý bỏ số tiền đặt trước,… chuyên gia cho rằng, cần xem xét thấu đáo, tránh hạn chế các quyền hợp pháp của các cá nhân, tổ chức…
Theo đó, trước tình trạng hàng loạt các vụ việc bỏ cọc sau đấu giá đất, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013. Đáng chú ý, trong nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bồi thường, cấm đấu giá 5 năm đối với hành vi tự ý bỏ số tiền đặt trước, bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Xử lý hành vi bỏ cọc trong đấu giá đất cần tránh hạn chế các quyền hợp pháp của các cá nhân, tổ chức - Ảnh minh họa
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, bỏ khoản tiền đặt trước thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước (tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất). Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước, sẽ được nhận lại tài sản thế chấp, trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.
Đồng thời, Dự thảo cũng quy định, giá trị của tài sản thế chấp phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Ngoài ra, trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Nhận định về đề xuất này, các chuyên gia cho rằng, quy định như vậy sẽ không chỉ hạn chế, làm cản trở việc đấu giá bất động sản sau này, mà còn có thể dẫn đến trường hợp doanh nghiệp sẽ đi mua lại tài sản trúng đấu giá, do không bị vướng vào những giới hạn của các quy định.
Dẫn lại về cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, theo các chuyên gia, doanh nghiệp bỏ cọc đã chịu mất tiền đặt trước rồi nên về bản chất họ cũng không vi phạm pháp luật.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp bỏ cọc đã chịu mất tiền đặt trước rồi nên về bản chất họ cũng không vi phạm pháp luật - Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, việc cấm doanh nghiệp 5 năm không được tham gia đấu giá, cũng cần phải xem xét thêm, bởi doanh nghiệp hoàn toàn có thể thành lập ra những công ty con, mang pháp nhân mới “sạch sẽ” để “lách luật” và hợp thức hóa.
Từ đó, các chuyên gia đề xuất, thay vì áp dụng các quy định đã nêu, nên tăng số tiền đặt trước từ 20% giá khởi điểm lên 30%. Cùng với đó, cần có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp người trúng đấu giá “ngâm” tài sản quá lâu.
“Bất động sản trúng đấu giá nếu không đưa vào sử dụng trong một thời gian nhất định sẽ bị phạt, nếu tiếp tục tái phạm sẽ bị thu hồi và không đền bù. Việc này áp dụng cho cả các nhà đầu tư thứ cấp phía sau, có nghĩa là khi gần hết thời hạn triển khai dự án lại đi bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Cứ như vậy làm kéo dài dự án không đưa vào hoạt động, tạo ra giá trị cho xã hội”, ông Nguyễn Duy Thành – Tổng Giám đốc Công ty Nhà Toàn Cầu nêu ý kiến.
Thông tin với báo chí dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN cho rằng, Dự thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra đang “vênh” so với Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Cụ thể, theo Luật sư Hiệp, các quy định như trong Dự thảo đã thiết lập ra một loại hình đấu giá khác so với trong Luật khi đề cập đến tiền đặt trước có thể thay thế bằng bảo lãnh ngân hàng, như vậy, sẽ chuyển thành tiền ký quỹ. Trong khi, tiền ký quỹ thì đưa ngân hàng giữ, còn tiền đặt trước thì đưa cho bên bán (tức Trung tâm đấu giá tài sản).
Ngoài ra, đối với việc yêu cầu bồi thường thêm khoản tiền bằng 50% giá trị quyền sử dụng đất, Luật sư Hiệp nhận định, đây là quy định không phù hợp với quy định của pháp luật.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra Dự thảo nhưng không căn cứ theo nguyên tắc pháp luật. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì phải phạt hay xử lý vào số tiền đặt trước, còn ở đây Bộ yêu cầu phải bồi thường là thiếu hợp lý, bởi đây chỉ là vi phạm, muốn yêu cầu bồi thường thì phải có thiệt hại trên thực tế, nhưng ở đây không phải thiệt hại nên không có căn cứ để yêu cầu bồi thường. Còn thời gian cấm 5 năm hay 10 năm thì phải nằm trong văn bản xử lý vi phạm hành chính, không phải nằm trong văn bản này”, Luật sư Hiệp phân tích.
Các chuyên gia cho rằng, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra các đề xuất đã nêu với mục đích tốt nhằm hạn chế các hành vi không lành mạnh, lũng đoạn thị trường bất động sản trong hoạt động đấu giá. Tuy nhiên, để các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và có tính khả thi, cần xem xét thấu đáo, kỹ càng, tránh làm hạn chế các quyền hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
Thao túng, thổi giá làm loạn thị trường bất động sản, sao chưa xử như thao túng chứng khoán?
Bất động sản sốt nóng tại nhiều nơi do bị một số nhóm đầu cơ bơm thổi đẩy giá, gây sốt nóng, thao túng thị trường. Các hành vi này có phạm pháp không và liệu có bị xử lý?
Theo DDDN