"Để mại dâm công khai, nền tảng xã hội sẽ bị phá vỡ"
Tệ nạn mại dâm là chủ đề đã được bàn đến rất nhiều trong thời gian qua. Mới đây, phát biểu của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh lại gây thêm nhiều tranh cãi khi cho rằng đã là thành phố du lịch thì “không thể không có mại dâm”, “mại dâm là nó xuất hiện không chừa hang cùng, ngõ hẻm nào cả", “ma túy, mại dâm cũng như nhau, không bao giờ có thể dẹp yên được”…
Chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet về vấn nạn mại dâm, các luật gia cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
![]() |
Giới luật gia cho rằng, nếu hợp thức hóa mại dâm sẽ phá vỡ đi quy phạm chuẩn mực đạo đức cũng như thuần phong mỹ tục. Ảnh LD |
Các luật gia cho rằng, nhiều nước trên thế giới như ở Hà Lan hay một số bang ở Mỹ đã thừa nhận mại dâm như một nghề. Trên thực tế, ở nhiều nước, thậm chí cả Việt Nam dù không cho phép nhưng mại dâm vẫn hoạt động như thường và rất khó quản. Chẳng hạn với dịch vụ mát xa tại nhà rất dễ phát sinh thỏa thuận mại dâm.
Pháp luật sinh ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh, tuy nhiên theo LS Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát Phạm, nếu hợp thức hóa mại dâm là một nghề ngay lúc này thì trong tư tưởng nhiều người “chưa sẵn sàng”. Dù cấm hay cho phép cũng cần phải nghiên cứu kỹ hơn chứ không thể quyết định một cách chủ quan, duy ý chí.
LS Phất cũng nêu: Kể cả khi đã chấp nhận nó là một nghề, vấn đề đặt ra là có quản lý được không? Ông dẫn dụ như với loại hình giao dịch BĐS, mặc dù được quản lý kỹ nhưng các loại hình giao dịch ngoài hệ thống vẫn hoạt động, văn phòng giao dịch vẫn "trăm hoa đua nở".
Dưới góc độ trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với thực trạng mại dâm, LS Phất cho rằng đó chưa hẳn là yếu tố quyết định. Với tình trạng mại dâm như hiện nay cũng không thể quy lỗi hoàn toàn cho phía cơ quan quản lý nhà nước. Bởi trên thực tế các giao dịch trái pháp luật bị cấm nhưng vẫn nở rộ bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu quản lý chặt, nó sẽ hoạt động tinh vi hơn. Còn nếu quản lý lỏng lẻo, nó sẽ phát triển ồ ạt. Ngay như tội phạm ma túy có thể lĩnh án tử hình nhưng người ta vẫn lao vào.
Với mại dâm, LS Phất cho rằng, cấm hay không là phụ thuộc vào “ý chí của giai cấp thống trị”. Nhưng khi đã quyết định cấm rồi thì phải có giải pháp đảm bảo làm sao để việc cấm mang lại hiệu quả.
“Quan trọng nhất là phải có nghiên cứu, có những đề tài cấp nhà nước. Cấm hay không cấm đều phải dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học. Không nên điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách duy ý chí. Cứ không quản lý được là cấm bằng mọi hình thức” – LS Phất nêu quan điểm.
LS Tạ Ngọc Sơn – GĐ Công ty Luật Kosy lại nhìn nhận: “Luật pháp phải đi lên từ quy phạm chuẩn mực của xã hội. Có thể ở các nước hợp thức hóa vấn đề mại dâm còn ở Việt Nam điều này không phù hợp”. Vì theo LS Sơn Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi đạo Phật, nếu hợp thức hóa mại dâm sẽ phá vỡ đi quy phạm chuẩn mực đạo đức cũng như thuần phong mỹ tục.
LS Sơn cũng cho rằng, nếu để mại dâm phát triển công khai thì nền tảng xã hội bị phá vỡ, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống vợ chồng. Ngoài ra vấn nạn mại dâm nam, mại dâm đồng tình vốn đang manh nha sẽ được dịp bùng phát.
Từ cách nhìn nhận trên, LS Sơn khẳng định mại dâm cần phải được “ngăn chặn triệt để”. Mặc dù luật hiện hành khá nghiêm khắc với vấn nạn mại dâm, như môi giới mại dâm bị tội hình sự, nhưng để ngăn ngừa được vấn nạn này thì phải làm triệt để hơn nữa.