Để chống hải tặc, Philippines "cầu cứu" cả Mỹ và Trung Quốc
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 8/2, các quan chức Philippines nhấn mạnh Manila không muốn tuyến đường biển Sibutu rộng 29 km nằm giữa bang Sabah của Malaysia và phía nam Philippines, biến thành "thiên đường" của cướp biển mang phong cách Somalia.
Tuyến đường biển Sibutu ghi nhận 13.000 ngàn tàu thuyền qua lại mỗi năm. Đây là tuyến đường di chuyển nhanh nhất giữa Australia với các nhà máy ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lực lượng hải cảnh Philippines tiếp cận một chiếc thuyền bị đắm của ngư dân ở khu vực ngoài khơi thành phố Zamboanga, phía nam Philippines. |
Trong năm 2016, các tay súng Hồi giáo thuộc tổ chức Abu Sayyaf từ phía nam Philippines đã chặn tàu thuyền và bắt cóc hàng chục thuyền viên hoạt động trên các vùng biển nằm giữa Malaysia, Indonesia và Philippines.
Thậm chí, chính phủ Indonesia còn đưa ra lời cảnh báo khu vực này có thể biến thành "Somali tiếp theo". Còn Cục Hàng hải quốc tế nhấn mạnh khu vực ngoài khơi phía nam Philippines đang trở thành tuyến đường biển ngày càng nguy hiểm.
"Nếu các chủ tàu tránh đi qua khu vực này để không phải đụng độ với các tay súng khủng bố, chắc chắn chi phí hoạt động sẽ gia tăng. Đây không chỉ còn là mối quan ngại đối với Philippines hay Indonesia và Malaysia mà còn cả với cộng đồng hàng hải quốc tế", Đại tá Joel Garcia, người đứng đầu lực lượng hải cảnh Philippines nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Manila đang có kế hoạch đề nghị Mỹ, đồng minh lâu năm của quốc gia này, tổ chức các cuộc tập trận ở ngoài khơi phía nam, nhằm đối phó với sự xuất hiện ngày càng đông của hải tặc.
Hồi tuần trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã hối thúc Trung Quốc tiến hành tuần tra chống hải tặc. Bởi trước đó, vào năm 2009, Bắc Kinh đã điều động lực lượng hải quân tới vịnh Aden nhằm bảo vệ tàu thuyền Trung Quốc khỏi sự tấn công của cướp biển Somali.
Theo ông Garcia, chi tiết về khả năng hợp tác tuần tra trên biển giữa Philippines và Trung Quốc có thể sẽ được thảo luận trong cuộc họp giữa giới chức hai nước ở Manila vào tuần tới. Còn Bộ trưởng Lorenzana nhấn mạnh Manila dự định "thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc về hoạt động tuần tra chung" ở ngoài khơi phía nam Philippines.
Theo thống kê của cảnh sát biển Philippines, chỉ trong vòng 6 tháng qua, tuyến đường biển Sibutu đã ghi nhận 12 vụ hải tặc tấn công hoặc bắt cóc con tin.