ĐBQH lo bầu cử kiểu “quân xanh, quân đỏ”
Tiêu chuẩn ĐB không rõ, “đánh đố” dân
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho hay, sau khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn giữ nguyên quan điểm về tiêu chuẩn ĐBQH và ĐB HĐND.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn ĐBQH đã được quy định tại Luật tổ chức Quốc hội, tiêu chuẩn ĐB HĐND dự kiến quy định trong dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 cùng với dự án Luật này). “Tiêu chí cụ thể để các cơ quan, tổ chức lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng”- Chủ nhiệm Phan Trung Lý chia sẻ.
Thảo luận tại hội trường, ý kiến của các ĐBQH lại thống nhất phải quy định cụ thể ngay trong luật. Cho rằng tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND là quan trọng sẽ quyết định chất lượng ĐB, chất lượng cơ quan dân cử… ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, cần thiết phải “luật hóa”, quy định cụ thể trong luật.
Nhìn vào những quy định cụ thể này cơ quan tổ chức sẽ giới thiệu người ứng cử và cử tri cũng không phải tra cứu từ luật này sang luật khác để hiểu được tiêu chuẩn của ứng cử viên. “Đừng để dân phải mua tới 3 cuốn sách luật mới hiểu được tiêu chuẩn của ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND ra sao”- ĐB Đương ví von.
![]() |
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh): Quy định không rõ, dân phải mua 3 cuốn sách luật mới hiểu tiêu chuẩn đại biểu |
Đối với cơ cấu thành phần ĐB HĐND, ngoài các ĐB chuyên trách ông Đương cũng đề nghị nên chọn những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, uy tín cao trong dân cư, không công tác ở cơ quan công quyền (như kỹ sư giỏi, nông dân giỏi, cựu chiến binh, công chức nhà nước trung cao cấp đã nghỉ hưu…. ).
“Khi tiếp xúc cử tri những đồng chí nghỉ hưu rồi sức khỏe còn rất tốt, tư duy trẻ trung, không vướng bận công tác nên sẽ chuyên tâm vào công việc của một ĐB”- ĐB Đương lập luận.
Bổ sung thêm, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) góp ý: Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi ĐBQH phải có đầy đủ năng lực, kiến thức, trình độ, kỹ năng, khả năng tổng hợp phân tích đánh giá. Ngoài những tiêu chuẩn chung thì cũng cần phải đưa ra tiêu chuẩn riêng với ĐB HĐND các cấp về trình độ, chuyên môn… ví như ĐB HĐND cấp tỉnh khác với ĐB HĐND cấp xã. “ĐB HĐND các cấp cần chú trọng thành phần nhưng cũng không vì cơ cấu mà ảnh hưởng tới chất lượng ĐB ứng cử”- bà Yến lưu ý.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị, giữa 2 ứng cử viên với cùng 1 tỷ lệ phiếu thì nên chọn người trúng cử là người có trình độ cao hơn thay vì tuổi cao hơn. Thậm chí, nên ưu tiên nếu ứng cử đó là nữ.
![]() |
ĐBQH Phạm Đức Châu (Quảng Trị): Không sắp xếp các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ… cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử theo kiểu “quân đỏ, quân xanh”. |
Còn ĐB Lê Thị Yến lại đề xuất, nếu 2 ứng cử có số phiếu bằng nhau thì nên xét chọn người trúng cử dựa vào học vấn. Chắc chắn và công bằng hơn, nên để Hội đồng bầu cử xem xét quyết định người trúng cử.
Về cơ cấu tỷ lệ ĐB, ĐB Lê Thị Yến đề nghị cần cân nhắc, để không vì chuyện “cơ cấu, thành phần” mà ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.
ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thì đề nghị, quy định không sắp xếp các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ… cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử theo kiểu “quân đỏ, quân xanh”.
Tăng tỷ lệ ứng cử ĐB nữ, dân tộc thiểu số
Đồng tình với đề xuất chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ ĐB là nữ phải đảm bảo ít nhất 35%, người dân tộc thiểu số ít nhất 18% (Điều 8), nhưng nêu quan điểm ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, tỷ lệ ứng cử là người dân tộc thiểu số như vậy vẫn còn quá thấp. Vì khi “chốt” con số trúng cử cũng chỉ được tối đa 10 - 12%, tỷ lệ này thấp hơn nhiều người dân tộc thiểu số hiện tại.
“Phải nâng tỷ lệ ứng cử viên và người dân tộc thiểu số là 20%; tỷ lệ ứng cử ĐB nữ nâng lên 38% để phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”- ĐB Danh Út đề xuất.
Cũng quan tâm tới tỷ lệ ứng cử viên nữ trong thành phần ĐBQH, ĐB HĐND, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) dẫn số liệu cụ thể về tình hình “hụt” ĐB là nữ qua các nhiệm kỳ Quốc hội. Theo ĐB Hòa, trong khi tỷ lệ nữ là ĐB trên thế giới tăng từ 11% lên 21% trong 10 năm qua thì tỷ lệ này trong thành phần cơ cấu Quốc hội nước ta lại đang giảm đi đáng kể. Để đạt được con số “mơ ước”, ít nhất 35% tỷ lệ ĐBQH là nữ, ĐB Hòa nhấn mạnh, nhất thiết phải tăng cả về số lượng và chất lượng ứng cử viên.
“Thực tế tôi mong muốn tỷ lệ nữ ĐBQH tăng lên 40%, nhưng xét thấy cũng khó nên đành đồng tình với tỷ lệ 35% mà dự thảo Luật chỉnh lý, tiếp thu đưa ra…”- ĐB Hòa trăn trở.
Bà Hòa cũng cho rằng, phải nhấn mạnh mục tiêu bình đẳng giới trong điều luật quy định cơ cấu, tỷ lệ ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND để cử tri hiểu rõ hơn trách nhiệm khi bầu. “Hiện tại nhiều tỉnh đang tồn tại thực tế khi đưa danh sách ứng cử viên thì có tới 60% là nữ, nhưng khi trúng tuyển thì tỷ lệ nữ chỉ vỏn vẹn còn 16%...”– ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa bày tỏ.
Riêng với cơ cấu đối với ĐB nữ, bà Hòa cũng góp ý, hiện có 2 cơ cấu quy định đang bất lợi cho ứng cử viên là nữ, đó là cơ cấu trẻ và quần chúng. “Dân ta tin Đảng, ứng cử viên là quần chúng dễ bị đánh giá là chưa đủ tiêu chuẩn. Vì thế, quy định cơ cấu đối với nữ ứng cử viên không nên quá khắt khe để đạt đủ tiêu chuẩn mơ ước mà dự thảo Luật đưa ra”- vị nữ ĐB tỉnh Bắc Ninh thắn nói.