ĐB Bùi Văn Phương: Khắc phục chuyện "ăn không từ thứ gì", "bán không từ cái gì"
Trong đó năm 2017 Quốc hội sẽ tập trung giám sát 2/4 chuyên đề này. Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều cho ý kiến tập trung vào 2 lĩnh vực là an toàn thực phẩm và cải cách tổ chức bộ máy hành chính.
![]() |
Kiến nghị Quốc hội giám sát 2/4 nội dung
Sáng 25/7, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự kiến chương trình giám sát năm 2017, báo cáo trước Quốc hội kết quả tình hình thực hiện chương trình giám sát năm 2016.
Theo đó, mặc dù năm 2016 có nhiều khó khăn nhưng chương trình giám sát của Quốc hội năm 2016 được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra; nội dung chương trình là phù hợp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội, mong đợi của cử tri, bám sát tình hình thực tế.
“Các chuyên đề được lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc, được cử tri quan tâm, thiết thực đối với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các hoạt động giám sát thường xuyên như giám sát văn bản quy phạm pháp luật, xem xét các báo cáo, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch, đóng góp vào kết quả hoạt động giám sát chung của Quốc hội” – Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng trình bày dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017. Cụ thể, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung. Cụ thể:
-Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 (giao Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát).
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 (giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát).
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP) (giao Ủy ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát).
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh (giao Ủy ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát).
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát vấn đề an toàn thực phẩm
Trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, về 4 nội dung trình ra kỳ họp, UBTV đã nghiên cứu kỹ, đây là những vấn đề nóng. Nhìn tổng thể thì đây đều là những vấn đề bức xúc, có điểm chung: Sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ công chức.
“Bộ máy nhà nước không tự thân làm điều gì mà là do sự vận hành của cán bộ công chức viên chức. Nếu bộ máy cán bộ công chức chuẩn mực sẽ không có tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở nhiều nơi, không có sự cấp khống giấy chứng nhận, không để tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan” – ông Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
Ông Cương chỉ ra rằng, giám sát bộ máy cải cách hành chính nhà nước cần đi vào cụ thể, làm rõ các quy định của pháp luật về trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ. Giám sát từ đầu nhiệm kỳ sẽ giúp chúng ta tăng trưởng không phải về mặt kinh tế mà về niềm tin ở người dân đối với Chính phủ.
Cũng thống nhất với đánh giá của UBTV Quốc hội về đánh giá hoạt động giám sát năm 2016, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) bổ sung thêm, đổi mới hoạt động Quốc hội thì cần cần đổi mới hoạt động giám sát, thể hiện rõ nét vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.
Đại biểu Kim Bé nhấn mạnh cần tập trung giám sát vào lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), bởi đây là vấn đề cử tri bức xúc. Hiện nay ATTP đã tác động tiêu cực hủy hoại chất lượng cuộc sống con người.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương |
Đồng tình với các tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2017, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, hiện nay vấn đề đặt ra trong đời sống có quá nhiều nhưng trong phạm vi một năm và khả năng các cơ quan không thể làm hết những vấn đề mình mong muốn. Do đó, cần lựa chọn vấn đề thiết thực nhất, cử tri quan tâm nhiều nhất, ảnh hưởng đến đời sống.
Đối với nội dung thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Phương thẳng thắn nêu: "Nếu chúng ta có một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì chắc chắn không để xảy ra những chuyện sai sót. Hiện nay bộ máy tổ chức Nhà nước của chúng ta là đầy đủ, chức năng nhiệm vụ được quy định theo pháp luật là đầy đủ. Nói như các cụ thì "đất có thổ công, sông có hà bá" tức là quản lý đủ hết, nhưng tại sao xảy ra nhiều chuyện để người dân ai oán. Chúng ta để người dân ăn bẩn, ảnh hưởng đến sức khoẻ , để môi trường ô nhiễm... Cán bộ của chúng ta không làm tròn trách nhiệm. Chúng ta rất buồn khi báo chí nói "ăn không từ thứ gì" và bây giờ xuất hiện thêm "bán không từ thứ gì", bán từ giấy chứng nhận VietGAP, sản phẩm lưu hành, bán cả con dấu đóng cho người giết mổ..."
“Có người nói năng lực kém nhưng cử tri nói năng lực không hề kém, toàn bộ việc đó biết cả nhưng đằng sau đó có lợi ích chi phối nên làm ngơ đi để cho xả thải chất độc ra môi trường, cho hàng gian, hàng giả lưu thông... Tôi cho rằng nếu tập trung vào đề án này, đánh giá thực trạng bộ máy công chức giai đoạn 2011-2016, xem cái gì dẫn đến yếu kém, để dân ai oán, khắc phục được thì không có chuyện " bán không từ cái gì" và "ăn không từ thứ gì"- ĐB Bùi Văn Phương nhấn mạnh.