Đây có thể là ngòi nổ tiếp theo cho một cuộc xung đột lớn ở châu Á
Châu Á có tỉ lệ nước ngọt trên đầu người thấp hơn bất kỳ các châu lục khác, và theo một nghiên cứu của học viện MIT (Mỹ), Châu Á sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng vào năm 2050. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị vẫn còn dai dẳng, việc tranh chấp nguồn nước ngọt giữa các nước châu Á có thể sẽ là mối đe dọa lớn đối với hòa bình và ổn định ở Châu Á.
Ấn Độ và Pakistan từ lâu đã gây xung đột lẫn nhau vì nguồn nước ngọt. |
Một lần nữa, Trung Quốc lại là tâm điểm của vấn đề nước ngọt. Trong lúc vấn đề ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý của nhiều nơi trên thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu có những động thái nhằm kiểm soát nguồn nước trong khu vực. Là quốc gia có tổng cộng 110 con sông và hồ lớn có hạ lưu thuộc vùng lãnh thổ của 18 nước khác nhau, Trung Quốc có số con đập nhiều nhất trên thế giới và chúng được coi là công cụ địa chính trị rất hữu hiệu.
Phần lớn các con sống lớn chảy ra nước ngoài của Trung Quốc nằm ở Cao nguyên Tây Tạng, nơi là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ đầu những năm 1950. Đây cũng là nơi Trung Quốc tiến hành rất nhiều dự án xây dựng đập trên sông. Mới đây, Trung Quốc đã cho chặn một nhánh của sông Brahmaputra, dòng sông chính của Bangladesh và miền Bắc Ấn Độ để xây dựng đập thủy điện ở đầu nguồn ở Tây Tạng. Một nhánh khác của sông cũng bị Trung Quốc chặn để đào một loạt hồ nhân tạo.
Trung Quốc cũng cho xây dựng 6 đập lớn trên sông Mê Kông, một hệ thống sống lớn ở vùng Đông Nam Á. Trong tương lai, nước này dự định sẽ tiến hành nhiều dự án xây đập nữa trên sông này.
Nguồn nước ở vùng Trung Á cũng đang ngày càng khan hiếm, khi Trung Quốc cũng kiểm soát đầu nguồn sông Illy. Hồ Balkhash của Kazakhstan đang đối mặt với tình trạng mất nước nghiêm trọng giống như biển hồ Aral giáp ranh với biên giới Uzbekistan (trước đây là một trong những biển lớn nhất ở Trung Á, nhưng này đã khô lại và trở thành sa mạc). Trung Quốc cũng cho đổi hướng dòng nước sông Irtysh, con sông lớn đi qua thủ đô Astana của Kazakhstan và đổ vào sông Ob của Nga.
Một con đập của Trung Quốc nằm trên dòng sông Mê Kông. |
Không chỉ có vậy, vùng Trung Á cũng đang gặp khó khăn khi các hoạt động khai thác năng lượng, sản xuất và nông nghiệp ở tỉnh Tân Cương (Trung Quốc) đang làm nguồn nước sông bị ô nhiễm bởi các chất hóa học độc hại và phân bón.
Đương nhiên tranh chấp nguồn nước ngọt không chỉ bắt nguồn từ Trung Quốc. Cuộc xung đột ở vùng Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan một phần là do vấn đề nguồn nước. Mới đây Pakistan đã đâm đơn kiện Ấn Độ lên tòa án quốc tế rằng nước này đã vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước Sông Ấn được hai nước ký kết năm 1960 nhằm quy định các nhánh sông của sông Ấn mà Ấn Độ và Pakistan được phép kiểm soát. 80% hệ thống sông Ấn đều nằm ở lãnh thổ Pakistan, và từ lâu nước này đã lợi dụng điều này để gây căng thẳng với Ấn Độ.
Hậu quả của cuộc tranh chấp nguồn nước ngọt ở châu Á sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Một số quốc gia châu Á đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng năng suất nông nghiệp không đạt mức yêu cầu do thiếu nước và đã thuê nhiều mảnh đất ở châu Phi, khiến nhiều người lên tiếng phản đối. Năm 2009, khi tập đoàn Daewoo đồng ý một thỏa thuận mượn một vùng đất rộng lớn đề trồng ngũ cốc và dầu cọ phục vụ cho thị trường Hàn Quốc, nhiều người đã xuống đường phản đối khi cho rằng đây là hành vi "thực dân", còn quân đội thì tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống đương nhiệm khi đó.
Tranh chấp nguồn nước ngọt ở châu Á đang khiến ngành nông nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng, hệ sinh thái bị phá hủy và khiến quan hệ giữa các nước trong khu vực ngày càng xấu đi. Điều này không tốt cho tất cả các quốc gia. Mặc dù Châu Á có thể xây dựng một cơ chế phân phối nước ngọt công bằng, thế nhưng thỏa thuận này phải có sự tham gia của Trung Quốc. Vào thời điểm hiện tại, Bắc Kinh sẽ khó có thể chấp nhận nó.