Đầu tư Gia sản iWealth có nợ gấp 23 lần vốn chủ sở hữu
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư Gia sản iWealth (iWealth) vừa công bố thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp.
Năm 2022, iWealth có lãi gần 5,4 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 9,7 tỷ đồng trong năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 5,38%, so với mức -10,42% năm 2021.
Tính tới cuối năm 2022, iWealth có vốn chủ sở hữu tăng thêm gần 5,4 tỷ đồng (từ lợi nhuận) lên gần 98,6 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2022, iWealth có kết quả kinh doanh tốt hơn năm trước khá nhiều.
Tuy nhiên, các chỉ số về sức khỏe tài chính của iWealth có nhiều điểm đáng chú ý.
Tính tới cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của iWealth vẫn ở mức rất cao là 7,6 lần (giảm nhẹ so với mức 8,05% vào cuối năm 2021).
Thế nhưng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng vọt lên mức 22,67 lần, cao hơn nhiều lần so với mức 8,2 lần vào cuối năm 2021.
iWealth có ngành nghề chính trong lĩnh vực “Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu”. Doanh nghiệp có trụ sở tại phố Đào Duy Từ, Hà Nội. iWealth tiền thân là Công ty TNHH Mua bán nợ Hòa Bình (HBDC), được thành lập vào năm 2012 tại Long An. Người đại diện pháp luật của iWealth là bà Phan Thị Thu Thảo.
Mua bán Nợ Hoà Bình trong năm 2021 huy động 2 lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo, với sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).
Ngày 11/10/2021, Mua bán Nợ Hoà Bình phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu mã HBDCB2124002 cho nhà đầu tư tổ chức. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên (mỗi kỳ 6 tháng) là 8,5%/ năm.
Ngày 26/5/2021, Mua bán Nợ Hoà Bình cũng đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 9%/năm.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16, quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo bổ sung quy định tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ có thể mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi hệ số Nợ/Vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng TPDN dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần, dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán. Các quy định khác quan trọng đối với từng TCTD vẫn được giữ, theo nguyên tắc: phải có nợ xấu (NPL) < 3%; kiểm soát được mục đích sử dụng vốn; có phương án khả thi trong việc đảm bảo thanh toán gốc và lãi đúng hạn và DN không có nợ xấu… Quy định này sẽ hạn chế các đối tượng là tổ chức phát hành có đòn bẩy cao hơn 5 lần sẽ không được tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Điều này hạn chế trường hợp các tổ chức phát hành gia tăng nợ xấu và không có đủ điều kiện để thanh toán gốc lãi trái phiếu đúng hạn, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao và gần chạm ngưỡng 5 lần, như nhóm ngành bất động sản công nghiệp… Trước đó, MBBank (MBB), VPBank (VPB), Techcombank (TCB) và TPBank (TPB) là các ngân hàng tham gia sâu nhất vào thị trường này. |
Mạnh Hà