Dấu hiệu của bệnh sởi, những triệu chứng nặng cần phải đi khám ngay
Triệu chứng điển hình khi mới mắc bệnh sởi
- Sốt rất cao 39 đến 40 độ C trong 2 ngày đầu
- Ngày thứ 3-4 xuất hiện các ban trên da, trình tự mọc của các nốt ban từ sau tai lan ra mặt và lưng, sau 2-3 ngày sẽ lan ra toàn thân. Bệnh nhân sẽ có thêm triệu chứng viêm kết mạc, viêm đỏ, có rỉ mắt, viêm đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, sổ mũi).
- Ngày thứ 5 ban bọc khắp toàn thân (từ đầu xuống chân) trẻ đỡ sốt, giảm viêm đường hô hấp.
Cha mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu trẻ mắc bệnh sởi để điều trị đúng cách. Trong 2 ngày đầu, tất cả bệnh nhi sốt cao do virus thường không có triệu chứng rõ ràng. Đến ngày thứ hai, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện.
Ảnh minh họa |
Dấu hiệu và triệu chứng nặng, cần được đưa đi khám ngay:
- Thở nhanh:
+ Trẻ dưới 1 tuổi: thở nhanh > 50 nhịp thở trong 1 phút
+ Trẻ trên 1 tuổi: thở nhanh > 40 nhịp thở trong 1
- Có dấu hiệu mất nước: môi khô, khóc không nước mắt, khát nước, quấy …
- Nghe tiếng thở rít, giọng khàn khi khóc,
- Loét miệng,
- Biếng ăn,
- Tiêu chảy, nôn ói,
- Đau mắt, mắt đổ ghèn,
- Đau tai,
- Sốt kéo dài hơn 4 ngày.
Trẻ cần nhập viện khi:
- Trẻ không thể uống hay bú,
- Co giật,
- Sốt cao khó hạ,
- Li bì, khó đánh thức,
- Loét miệng nhiều,
- Thở nhanh, thở co lõm ngực, thở nghe tiếng rít,
- Loét giác mạc, giảm khả năng nhìn,
- Viêm tai xương chũm,
- Biểu hiện mất nước nặng: môi khô, da chùng, khóc không nước mắt, tiểu ít,
- Suy dinh dưỡng nặng.
Bộ Y tế khuyến cáo
Sởi có thể được phòng ngừa bằng tiêm ngừa vắc-xin sởi. Khi được tiêm ngừa, hơn 85% trẻ sẽ được phòng ngừa bệnh sởi.
Theo Bộ Y tế, hơn 50% số trẻ bị sởi là do không được chích ngừa, 40% do không chích ngừa đủ 2 mũi sởi. Để phòng chống bệnh sởi cần phải:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin sởi -Rubella đầy đủ và đúng lịch.
2. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.