Dấu “chấm hết” cho EU, nếu Hà Lan nói không với Ukraine?
Hôm 7/2, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho biết, nước này sẽ xem xét lại quan điểm về thỏa thuận liên kết Ukraine - Liên minh châu Âu (EU) nếu người dân của họ nói "không" trong cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 tới.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói chuyện với người dân tại Breda. |
Thỏa thuận liên kết giữa Ukraine và EU chỉ có hiệu lực khi nhận được sự phê chuẩn của 28 quốc gia thành viên. Trước đó, tất cả các thành viên EU, bao gồm Hà Lan, đã phê chuẩn, nhưng quá trình này bị đình trệ sau khi xuất hiện một bản kiến nghị gồm hơn 450.000 chữ ký buộc chính phủ Hà Lan phải tiến hành trưng cầu dân ý về thỏa thuận trên.
Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 6/4 tới sẽ tác động lớn đối với EU và hơn thế nữa. Kết quả “Đồng ý” sẽ thúc đẩy các chính sách đối với láng giềng của EU và là một tín hiệu mạnh mẽ đối với Nga rằng châu Âu không thể bị đe dọa. Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất cho thấy kết quả có thể đi theo hướng này.
Một thành viên ly khai tại sân bay quốc tế Donetsk hồi tháng 10/2014. |
Tuy nhiên, hãy tưởng tượng, nếu người Hà Lan bỏ phiếu “Không”, và đặc biệt nếu thỏa thuận liên kết với Ukraine không thể có hiệu lực bởi kết quả này thì hậu quả với EU sẽ ra sao? Các quốc gia khác có thể sẽ “bắt chước” theo bởi, mặc dù EU đang cố gắng mở rộng Liên minh về phía Đông nhưng người dân lại tỏ ra không hài lòng về việc này, nhất là với trường hợp của Ukraine.
Nhà báo người Hà Lan Stefan Huijboom nhận định: “Ukraine là một quốc gia đang có chiến tranh. Miền Đông nước này vẫn còn xung đột. Nếu hội nhập với châu Âu, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ trở thành vấn đề của châu Âu”.
Nguy hiểm hơn, tất cả các hiệp ước trong tương lai với các nước bên ngoài đều có thể bị cản trở bởi một nước thành viên nào đó. Vai trò của EU trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại và hợp tác với các nước về những vấn đề như chống tội phạm có tổ chức và các vấn đề môi trường có thể bị xóa bỏ.
Một tiền lệ như vậy sẽ đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh EU đang ngập trong nhiều vấn đề lớn như khủng hoảng người tị nạn, khuynh hướng dân tộc và chủ nghĩa dân túy phát triển mạnh ở một số nước thành viên EU… Với những điều kiện trên, cuộc trưng cầu Hà Lan có thể đánh dấu sự chấm hết cho khả năng giải quyết những vấn đề mà khu vực này đang phải đối mặt.
Theo Kateryna, cuộc trưng cầu dân ý của Hà Lan sẽ là một “đòn giáng mạnh” vào hình ảnh của EU với tư cách là một khối năng động, đoàn kết. Trong bối cảnh thế giới đang mất ổn định, EU nếu muốn tồn tại phải vững chắc hơn bao giờ hết. Nếu Hà Lan bỏ phiếu “Đồng ý” , công dân EU sẽ có nhiều lý do để ăn mừng như chính phủ Ukraine, vốn đang rất mong mỏi gia nhập, hoặc ít nhất cũng gần gũi hơn với EU.
Kateryna cho rằng, một kết quả tích cực đối với EU trong cuộc trưng cầu dân ý của Hà Lan sẽ có nghĩa rằng EU tiếp tục là một lực lượng đáng tin cậy trong khu vực.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang điện tử Politico.com của công ty truyền thông cùng tên chuyên về chính trị của Mỹ. Politico chuyên về các vấn đề chính trị, chính sách ở Mỹ và trên trường quốc tế. Nội dung của nó được phân phối thông qua truyền hình, Internet, báo chí và đài phát thanh.