Dầu cá omega 3 bổ ngang, bổ dọc và .... 'bổ ngửa'
Ảnh minh họa. |
Chị Đào Thị Thúy Hằng – Hà Đông, Hà Nội cho biết gần đây chị thường xuyên bị khô mắt nên đã đi mua omega 3 dưới dạng dầu cá về uống.
Chị Hằng khoe khi uống dầu cá xong cảm giác chị thấy mắt sáng hơn, đỡ mỏi mắt hơn.
Hay trường hợp của bé Phạm Quỳnh Anh 4 tuổi, quê Phú Thọ được mẹ thường xuyên tẩm bổ DHA dưới dạng dầu cá. Mẹ của Quỳnh Anh tin rằng bổ sung thêm omega 3 để con thông minh nên mỗi ngày bé Quỳnh An lại được mẹ cho ăn 1 viên dầu cá và bé ăn thành thói quen.
Tới khi bé thường xuyên chảy máu mũi mẹ bé cho đi khám bác sĩ không tìm ra nguyên nhân vì sao và chỉ đến khi mẹ cháu khoe thành tích chăm con bằng cách tẩm bổ đủ các loại thực phẩm chức năng trong đó có dầu cá omega 3 cho con. Lúc này, các bác sĩ phản đối và cho đây là việc làm nguy hiểm tưởng tốt cho con nhưng có khi hại con.
PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết hiện nay nhiều người vẫn có thói quen tự mua dầu cá về uống và tin rằng nó sẽ giúp họ phòng, chống được nhiều bệnh. Dầu cá được xem là thần dược như thuốc bổ từ trong, ra ngoài.
Tuy nhiên, dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng việc sử dụng dầu cá cũng cần trong ngưỡng cho phép. Nếu lạm dụng dầu cá có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Dầu cá có hai loại hay gặp đó là các loại vitamin và dầu omega 3, omega 6. Trong đó dầu cá dạng omega 3 được bán phổ biến nhất hiện nay.
Theo quy định mỗi người không nên sử dụng lượng dầu cá trên 5000 mg ngày. Uống dầu cá nhiều có thể gây tăng đường huyết ở những người bị đái tháo đường. Chính vì thế những bệnh nhân bị đái tháo đường thường được khuyến cáo không nên dùng omega 3.
Theo PGS Đức có nghiên cứu chỉ ra dùng 8 gram axit béo omega-3 mỗi ngày dẫn đến tăng 22% lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tác dụng phụ hay gặp khi lạm dụng dầu cá đó là gây ra hiện tượng chảy máu nướu và chảy máu cam.
Những người bị huyết áp thấp không nên sử dụng dầu cá, những người hay bị rối loạn tiêu hóa đầy bụng, khó tiêu cũng không được dùng dầu cá vì có thể kích thích hệ tiêu hóa gây khó chịu cho người dùng.
Người dân có thể tự bổ sung omega 3 bằng cách ăn các sản phẩm từ cá đặc biệt những loại cá béo, tươi như cá hồi, cá mòi…
Khi chế độ ăn không cung cấp đủ vitamin A, E bạn có thể bổ sung trực tiếp bằng cách dùng dầu cá. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc và tuân theo đúng liều lượng quy định của bác sĩ, đặc biệt là đối với trẻ em và những người dễ bị dị ứng, có các bệnh về tim mạch,… Dầu cá chứa rất nhiều vitamin A, nếu cơ thể không hấp thụ được hết sẽ tích lũy trong cơ thể và có thể dẫn đến ngộ độc.