Đạt được thỏa thuận với Mỹ, ‘công chúa Huawei’ trở về Trung Quốc, tránh bị dẫn độ
Sau 3 năm vướng tranh tụng ở Canada, "công chúa Huawei" Mạnh Vãn Châu đã đạt được thỏa thuận với Mỹ để tránh bị dẫn độ và trở về Trung Quốc.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu đã lên máy bay rời Vancouver để về Trung Quốc, sau khi bà đạt được thỏa thuận với các công tố viên ở New York.
Theo đó, bà Mạnh đã thừa nhận một số tội danh và đổi lại bà sẽ không bị dẫn độ về Mỹ. Trước đó, bà Mạnh vướng vào cuộc chiến pháp lý ở Vancouver suốt gần 3 năm và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử.
"Công chúa Huawei" Mạnh Vãn Châu không bị dẫn độ tới Mỹ và đã rời khỏi Canada để trở về Trung Quốc. (Ảnh: SCMP) |
Trong tuyên bố hôm 24/9, Bộ Tư Pháp Canada nhấn mạnh, “Bà Mạnh Vãn Châu hiện được tự do để rời khỏi Canada”. Bộ Tư Pháp Canada cũng từ chối yêu cầu dẫn độ bà Mạnh từ Canada sang Mỹ. Nếu bị đưa sang Mỹ xét xử, bà Mạnh có thể đối mặt tới 30 năm tù giam. Vụ bắt giữ bà Mạnh đã tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada.
Còn theo một nguồn tin từ sân bay, bà Mạnh đã lên chuyến bay Air China 777 cất cánh từ Sân bay Quốc tế Vancouver lúc 16h30 (giờ địa phương) để về Trung Quốc.
Bà Mạnh được thả tự do với điều kiện phải thừa nhận một số tội danh như cáo buộc lừa đảo ngân hàng HSBC về các giao dịch của Huawei tại Iran, và Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Tuy nhiên, bà Mạnh không chấp nhận cáo buộc gian lận và âm mưu. Theo thỏa thuận với các công tố viên ở New York, những cáo buộc trên sẽ được hủy bỏ vào tháng 12/2022 nếu như cho tới thời điểm đó bà không có thêm hành vi phạm pháp. Điều này đồng nghĩa với việc bà Mạnh được đưa ra khỏi hồ sơ phạm tội hình sự.
Trước đó, vào ngày 1/12/2018, bà Mạnh bị bắt ở sân bay Vancouver theo lệnh bắt của Mỹ trước cáo buộc gian lận dẫn tới sự hiểu lầm của ngân hàng HSBC về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Huawei ở Iran. Chính sự gian lận này đã khiến ngân hàng HSBC vô tình vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Theo các nguồn tin trong Tập đoàn Huawei, trong thời gian tố tụng, bà Mạnh vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò là Giám đốc Tài chính và duy trì liên lạc chặt chẽ với các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn.
Tuy nhiên, trong thỏa thuận giữa bà Mạnh và các công tố viên ở Mỹ không nhắc tới việc doanh nhân Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, 2 công dân Canada bị bắt tại Trung Quốc trước cáo buộc làm gián điệp, có được thả tự do hay không. Ông Spavor và Kovrig bị bắt chỉ một thời gian ngắn sau khi bà Mạnh bị bắt giữ ở Canada.
Hồi đầu tháng Chín, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã lần đầu tiên cho công bố chi tiết về các cáo buộc đối với 2 công dân Canada. Theo đó, ông Spavor bị cáo buộc đã chụp ảnh và quay video về thiết bị quân sự bí mật và sau đó gửi cho ông Kovrig.
Tuy nhiên, chính phủ Canada lại lên tiếng khẳng định Trung Quốc đã từ chối để phía quan chức Canada tiếp cận phiên xử ông Spavor và Kovrig, cũng như những bằng chứng chống lại họ.
Theo thông tin mới nhất được RT cập nhật, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo vào tối muộn ngày 24/9 rằng, 2 công dân nước này là Kovrig và Spavor đã lên máy bay để trở về nhà.
“Khoảng 12 phút trước, chiếc máy bay chở ông Michael Kovrig và Micheal Spavor đã rời khỏi không phận Trung Quốc và đang trên đường về Canada”, Thủ tướng Trudeau nói trên truyền hình.
Vì sao Australia rời xa Trung Quốc để thân thiết hơn với Mỹ?
Tham gia liên minh mới AUKUS, Australia sẽ thân thiết hơn với Mỹ nhưng không còn đường lùi trở lại quan hệ với Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)