Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Binh sỹ cướp tàu khu trục, xin tị nạn ở Hy Lạp
Chiếc tàu khu trục này bị chiếm giữ ở căn cứ quân sự Golcuk ở bờ biển phía Đông khu vực Marmara. Trước đó, chính phủ Ankara cảnh báo khả năng các nỗ lực đảo chính vẫn tiếp tục tái diễn.
Trông một diễn biến khác, kênh truyền hình ERT của Hy Lạp cho biết, một chiếc trực thăng Thổ Nhĩ Kỳ chở theo 7 người được cho là thuộc phe ủng hộ đảo chính đã hạ cánh xuống thành phố Alexandroupolis của nước này.
Theo ERT, hành khách của chiếc trực thăng nói trên là binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho biết đã tham gia vào cuộc đảo chính đêm qua và yêu cầu xin tị nạn chính trị ở Hy Lạp. Một chiếc trực thăng Black Hawk đã gửi tín hiệu khẩn cấp, ERT cho hay.
Người ủng hộ chính phủ và phe đảo chính đụng độ trên đường phố Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Reuters |
Thêm một thông tin cập nhật về cuộc đảo chính, theo hãng tin DHA, lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm qua có thể là cựu chỉ huy Lực lượng Không quân nước này, ông Akin Ozturk.
Theo DHA, Ozturk từng là chỉ huy Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2013 đến 2015. Từ tháng 8/2015, Ozturk là thành viên của Hội đồng quân sự Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khoảng một năm trở lại đây, Ozturk bị nghi ngờ là âm mưu tổ chức một cuộc đảo chính quân sự.
Hãng tin này cũng cho biết Ozturk có thể đã quyết định tiến hành đảo chính trước khi hội nghị quân sự diễn ra, nơi mối liên hệ giữa ông và thủ lĩnh đối lập Fethullah Gulen sẽ bị đem ra để thảo luận.
Khôi phục án tử hình
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định tất cả những kẻ tham gia cuộc đảo chính, bao gồm binh sỹ và đại diện của phong trào Gulen, sẽ bị giam giữ và trừng phạt đích đáng.
“Tất cả những kẻ chủ mưu, tham gia vụ đảo chính, bao gồm cả lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, đều đã nằm trong tay cơ quan hành pháp và bọn họ sẽ phải chịu hình phạt cao nhất”, ông Yildirim nói trước phóng viên ở Ankara.
Ông nói thêm rằng hình phạt tử hình không có trong hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, Ankara sẽ cân nhắc thay đổi luật pháp để đảm bảo rằng một nỗ lực đảo chính tương tự sẽ không diễn ra lần nào nữa. Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ sau đây sẽ cân nhắc áp dụng án phạt tử hình.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước báo giới. Nguồn: Reuters |
“Tử hình đã được xóa bỏ trước đó. Tuy nhiên, sự thay đổi là cần thiết để ngăn chặn sự việc như hôm nay lặp lại. Hội đồng Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các đảng trong quốc hội sẽ thảo luận vấn đề này tại kỳ họp sắp tới”, ông cho biết.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng quốc gia nào chứa những kẻ liên quan đến cuộc đảo chính hoặc phong trào Gulen thì “không phải là một người bạn của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cuộc đảo chính quân sự bất ngờ tại Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7 đã khiến 104 người ủng hộ đảo chính thiệt mạng, 47 dân thường, 41 cảnh sát và 2 binh lính khác cũng bị giết trong các vụ đụng độ. Tổng thống Erdogan đã cáo buộc học giả Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen, một người chống đối chính phủ sống ở Mỹ, là người đứng sau lên kế hoạch cho cuộc đảo chính.
Khoảng 1.400 người bị thương, trong khi 2.839 người tham gia đảo chính đã bị bắt giữ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định tình hình ở nước này đã quay trở lại bình thường và Tổng thống Erdogan không gặp phải bất kỳ trở ngại nào để tiếp tục lãnh đạo đất nước. Ông Yildirim cũng kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường tuần hành trong đêm nay (16/7) để ăn mừng chiến thắng của nền dân chủ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.