Daniel Zhang, người kế nhiệm Jack Ma, là ai?
Đối với 86.000 nhân viên đang làm việc tại Alibaba, Tổng Giám đốc (TGĐ) Daniel Zhang không được biết đến với tên Daniel, ông Zhang hay ông chủ. Thay vào đó, họ gọi ông là Xiaoyaozi (Tiểu Dao Tử), hay “người có tinh thần tự do, phóng khoáng”. Xiaoyaozi là tên một nhân vật trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.
Ông Zhang sẽ sớm phải gánh vác trọng trách lớn. Hôm 10/9, Chủ tịch Jack Ma tuyên bố kế hoạch kế nhiệm cho Alibaba với thời gian chuyển giao là 1 năm. Đến ngày 10/9/2019, ông sẽ chính thức từ chức Chủ tịch và trao lại “dây cương” cho Zhang.
Daniel Zhang, Tống Giám đốc Alibaba |
Trong lá thư gửi toàn thể nhân viên, Jack Ma viết rằng kể từ khi Zhang được bổ nhiệm làm TGĐ, Alibaba đã chứng kiến tăng trưởng bền vững trong 13 quý liên tiếp. Ông khen ngợi người sắp kế nhiệm mình là có “năng lực phân tích vô song”, đón nhận trách nhiệm với niềm đam mê và có can đảm đổi mới, thử nghiệm mô hình kinh doanh sáng tạo.
Kế hoạch chuyển giao được Jack Ma bàn bạc kỹ lưỡng cùng các lãnh đạo khác. Ông muốn tách bạch với hoạt động công ty để chuyển sang dạy học, đào tạo và thiện nguyện. Ông vẫn là Chủ tịch Alibaba trong 12 tháng tiếp theo nhằm đảm bảo việc chuyển giao diễn ra suôn sẻ.
Joseph Tai, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Alibaba, cho biết đã làm việc cùng ông Daniel từ năm 2007. Ông thừa nhận không thể theo kịp về trí tuệ và năng lượng của Zhang song chính sự thấu đáo và khiêm nhường mới là đức tính nổi bật nhất.
Daniel Zhang sẽ kế nhiệm Jack Ma giữ chức Chủ tịch Alibaba. |
Daniel Zhang, 46 tuổi, từng là Giám đốc tài chính Taobao, Chủ tịch Tmall.com và Giám đốc điều hành Alibaba trước khi thay thế Jonathan Lu làm Tổng Giám đốc. Trong thông báo bổ nhiệm năm 2015, Jack Ma khẳng định Daniel Zhang là lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đổi mới tài năng với hiệu quả làm việc mạnh mẽ. “Không còn ai tốt hơn để dẫn dắt tập đoàn Alibaba trong bối cảnh chúng ta đang bước sang trang mới dựa trên nền tảng vững vàng mà Jonathan hỗ trợ tạo dựng”.
Kể từ đây, ông dẫn đầu chiến lược di động của Alibaba trên các nền tảng thương mại điện tử, giám sát các thương vụ thâu tóm bạc tỷ, hiện tại tập trung vào mở rộng chiến lược New Retail kết hợp mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến, mang đến cho người dùng trải nghiệm xuyên suốt trong khi vẫn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dưới sự lãnh đạo của ông, vốn hóa của Alibaba đạt 420,9 tỷ USD, là doanh nghiệp giá trị nhất châu Á. Tuy nhiên, ông cảnh báo nhân viên rằng giá trị của công ty không dao động với các biến động cổ phiếu.
Chủ tịch sắp tới của Alibaba theo học tài chính tại Đại học Tài chính Kinh tế Thượng Hải. Trước khi gia nhập Alibaba, ông là Giám đốc tài chính tại công ty game Shanda Interactive Intertainment, Giám đốc cao cấp tại chi nhánh, cố vấn kinh doanh và kiểm toán của PwC. Ông đến với Alibaba năm 2007, đóng vai trò quan trọng giúp Taobao trở nên có lãi. Ông nổi tiếng vì đã khởi xướng lễ hội mua sắm “Double 11” hay còn gọi là Ngày lễ độc thân, mang về 50 triệu Nhân dân tệ trong năm đầu tiên (2009) và mới nhất là 168 tỷ Nhân dân tệ (25 tỷ USD) năm 2017. Ngày lễ độc thân chính là ngày hội mua sắm 24 giờ lớn nhất thế giới, thu hút vô vàn người tham gia trên toàn cầu, vượt mặt cả những ngày lễ lớn khác như Black Friday, Amazon Prime Day.
Ông đang đặt mục tiêu giúp Alibaba đi xa hơn nữa với chiến lược New Retail và mở rộng ra quốc tế. Ông đã giám sát việc mở rộng siêu thị Hema trên toàn quốc. Một chợ Hema cho phép người dùng mua sắm trực tuyến hoặc ngoại tuyến tùy thích và được giao hàng tận nhà. Tại quầy hàng hải sản, người tiêu dùng thậm chí còn có thể yêu cầu đầu bếp nấu luôn cho mình.
Vụ thôn tính dịch vụ giao đồ ăn Ele.me mới đây cùng kế hoạch sáp nhập nó với Koubei là một phần trong chiến lược rộng hơn nhằm tích hợp dịch vụ theo yêu cầu với các bộ phận kinh doanh khác, bao gồm Hema và Tmall, Taobao. Tại một hội thảo tại Singapore đầu năm nay, ông phát biểu: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ các cửa hàng truyền thống sẽ tạo ra giá trị khổng lồ song mô hình cần được nâng cấp và hoạt động của chúng cần được số hóa”.