Đánh tráo người cách ly có thể đối mặt với án phạt nào?
Sự việc Chủ tịch một Công ty điện gió ở Quảng Trị tráo nhân viên đi cách ly phòng Covid-19 thay mình đã gây bức xúc cùng sự hoài nghi trong dư luận.
Sau khi phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã sử dụng các biện pháp, buộc ông H đến trình diện cùng nhân viên. Ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị xác nhận có việc ông H đánh tráo người khác để trốn cách ly.
Vụ việc này không những gây nguy hại cho cộng đồng mà còn nguy hại cho chính bản thân và những người thân của ông H.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi đánh tráo người cách ly chính là hành vi trốn tránh cách ly.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt có thể đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định pháp luật.
“Nếu đúng hành vi này diễn ra là vô cùng nguy hiểm trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Ngoài ra, nếu người trốn tránh cách ly nhiễm bệnh Covid-19, làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự năm 2015 với mức kịch khung lên đến 12 năm tù.
Với người chấp nhận thay thế người khác để thực hiện thủ tục cách ly, luật sư Cường nhìn nhận hành vi này cũng hết sức nguy hiểm, có vai trò đồng phạm với người được thay thế, quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.
Do vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ có việc lãnh đạo doanh nghiệp cử nhân viên đi cách ly thay mình hay không, nếu có cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Các nhân viên y tế ghi chép, rà soát số liệu người cách ly tại một khu vực cách ly tập trung bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng. (Ảnh: Việt Dũng) |
Nguyễn Tuân