Danh hiệu "thành phố sạch" của Đà Nẵng – Có sự nhầm lẫn?
Phải chăng đã có sự nhầm lẫn một cách “rất đáng tiếc” khi cho rằng "Đà Nẵng đã được công nhận là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon thấp nhất"?
Trong bản tin phát ngày 21/11/2012, Hội nghị năng lượng lần thứ 44 của Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thủ đô Washington DC, đã công bố lựa chọn 20 thành phố trên khắp thế giới để thực hiện thí điểm mô hình đô thị carbon thấp trong đó nhấn mạnh đến việc sử dụng các công nghệ năng lượng hiệu quả như lưới điện thông minh hay máy (nguồn) phát điện sử dụng năng lượng có thể tái tạo.
Một góc thành phố Đà Nẵng |
Trên thực tế, bản gốc (bằng tiếng Anh) của tin này đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của UBDN thành phố Đà Nẵng (xem tại đây) hay việc Đà Nẵng được lựa chọn cũng đã được Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Công Thương Việt Nam) loan tin ngay sau khi Hội nghị kết thúc.
Trong các bản tin được báo chí quốc tế đăng tải, thông tin còn cho biết thành phố Đà Nẵng đã dự kiến sẽ triển khai 4 dự án theo mô hình “carbon thấp” trong đó có các hoạt động tiêu biểu như khuyến khích sử dụng xe đạp điện, ứng dụng các công nghệ nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho một tuyến xe buýt và một tuyến tàu điện đô thị…
Truyền thông nước ngoài cũng trích dẫn báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng cho biết, thông qua một dự án thí điểm (pilot), Đà Nẵng đã cắt giảm được khoảng 12.000 tấn khí thải nhà kính và tiết kiệm được khoảng 12 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2 của dự án, Đà Nẵng dự kiến sẽ triển khai từ nay đến năm 2015 và đặt mục tiêu trở thành “thành phố xanh” vào năm 2020.
Đáng tiếc là thông tin này đã bị “hiểu sai”. Trong phiên trả lời chất vấn vào buổi sáng ngày 6/12 vừa qua, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu cho hay, tại hội nghị năng lượng Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44 diễn ra tại Washington (Mỹ) hồi tháng 11 vừa qua, Đà Nẵng đã chính thức được công nhận là 1 trong 20 TP trên thế giới có hàm lượng cacbon thấp nhất. Ông Nguyễn Điểu khẳng định đây là một vinh dự lớn đối với TP Đà Nẵng.
Ngay lập tức, thông tin này đã bị ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng tỏ ý nghi ngờ. “Nghe thế giới họ khen mình là một trong 20 TP thế này, thế kia về môi trường, tôi không biết mấy TP khác còn bẩn đến cỡ nào nữa? Mình đi các nơi, thấy nhiều TP hấp dẫn rứa mà răng tự nhiên mình cũng nằm vô một trong 20 TP. Không biết mấy ổng chấm kiểu chi mà tui thấy chưa sướng lắm!”
“Các nước ASEAN (thực tế là APEC) cũng công nhận Đà Nẵng là TP có môi trường sạch - ông Nguyễn Bá Thanh nói thêm - Chắc mấy ổng không đi vào cái chỗ mà hôm trước tôi với anh Huy (ông Trần Văn Huy, Bí thư quận uỷ kiêm Chủ tịch UBND quận Thanh Khê) lội vô ở gần ven sân bay. Mấy ổng tới đó chắc không chấm điểm Đà Nẵng đâu. Úi chu cha, đô thị chi rứa mà là đô thị? Ăn ở mất vệ sinh, rác rưới vất tùm lum ra như thế!”.
Thiên Tân - thành phố carbon thấp đầu tiên trên thế giới được công nhận theo mô hình dự án do APEC khởi xướng. |
Dù tỏ ý nghi ngờ tính xác thực của thông tin này nhưng ông Nguyễn Bá Thanh cũng không thể kiểm chứng được ngay lúc đó và đành “chấp nhận miễn cưỡng”: “Dù muốn hay không thì họ cũng công bố rồi. Mình lỡ "bị" công bố nên phải làm cho tốt hơn, chứ làm không đạt là mang tiếng" và sau đó ông yêu cầu các quận, huyện ra quân tổng dọn sạch sẽ xà bần và các thứ nhếch nhác khác.
Dự án “Thành phố carbon thấp” do APEC khởi xướng từ tháng 6 năm 2010 tại Hội nghị diễn ra ở Tokyo (Nhật Bản). Đến nay mới có Thiên Tân (Trung Quốc) được công nhận là “thành phố carbon thấp” đầu tiên trên thế giới theo mô hình dự án này.