Dân thủy điện Sông Tranh xin trả lại nhà tái định cư
Những ngày này, người dân ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) vẫn chưa khỏi lo lắng, bất an về các trận động đất. Đã 7 năm trôi qua người dân nơi đây nhường đất, nương rẫy cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xây dựng Thủy điện Sông Tranh 2, có vốn hơn 5.100 tỷ đồng. 7 năm họ song hành cùng bao vất vả, khó khăn, thiếu thốn, không đất sản xuất, không đường, không nước sinh hoạt…
Hạ tầng khu tái định cư xuống cấp trầm trọng, cộng với thiếu đất sản xuất nên người dân khu thủy điện Sông Tranh 2 đang trả lại nhà tái định cư |
Hàng ngày người ta chứng kiến cảnh người mẹ trẻ cùng các con nhỏ hứng những giọt nước mưa tắm giặt, sinh hoạt tại khu tái định cư.
Chị Hồ Thị Đương chua xót: “7 năm về ở đây, chúng tôi vẫn chưa có đất sản xuất, đường đi vô cùng cực khổ do nắng bụi mưa lầy. Nước sinh hoạt không có, chúng tôi phải tận dụng nước mưa, nước mương. Đàn ông, thanh niên ở đây phần không có việc làm, phần chán nản nên nhậu nhẹt li bì càng khiến cuộc sống khó khăn trở nên túng quẫn. Sống kiểu này chắc trả lại nhà để về nơi cũ sống cho khỏe”.
Theo ông Đinh Văn Minh, Trưởng thôn 3 của xã Trà Đốc, đã có 24 hộ đã bỏ nhà chuyển về nơi cũ dựng nhà, khai hoang đất để làm ruộng, làm rẫy. Trong 24 hộ này, có 21 hộ viết đơn xin trả lại nhà tái định cư.
Tại khu tái định cư này có gần 100 căn nhà, mỗi căn nhà được xây dựng kiên cố, khang trang có diện tích khoảng 100m2 với kinh phí gần 100 triệu đồng/căn, nhưng người dân vẫn không chịu ở, khóa chặt cửa, bỏ hoang. Xót xa hơn khi người dân lại cho trâu, bò trú ngụ vào ban đêm và lúc trời mưa.
Bí thư đảng ủy xã Trà Đốc Hồ Cao Quý khẳng định dân bỏ về lại nơi cũ, xã không thể ngăn cản, thuyết phục được vì động đất liên miên và không cơ quan nào đứng ra giải thích, đảm bảo sự an toàn cho người dân. Trong khi người dân nơi đây sống dựa vào ruộng, rẫy, nếu không có đất sản xuất họ sẽ đứng trước nguy cơ đói ăn.
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bắc Trà My, thừa nhận gần 7 năm dân chưa hề có đất sản xuất, nhà tái định cư xuống cấp, đường xá, nước sinh hoạt tù mịt theo những lời hứa suông của chủ đầu tư. Đã đến lúc, người dân nơi đây cần những việc làm cụ thể, chứ không cần những lời hứa suông như lâu nay.
Bàn Thạch