Đàn ông ly hôn đều… tệ?
Chúng tôi yêu nhau bốn năm, ba mẹ tôi không cho cưới vì anh đã một đời vợ. Ba mẹ cho rằng, đàn ông tệ bạc mới không giữ nổi tổ ấm.
Đàn ông cũ, từng trải như anh, như thỏi nam châm hút lấy tôi. Chúng tôi cưới được nhau vì tôi mang thai. Tôi không lấy cái thai làm áp lực buộc ba mẹ chấp nhận, mà vì tình yêu đã già ngày, chuyện gì đến rồi cũng đến.
Vừa cưới xong, ba mẹ anh liền nhận nuôi cháu nội, là bé Thảo con anh. Theo họ, như thế là tốt cho con trai và cả cháu nội.
Tôi luôn nghĩ, điều cản trở nhất của người đàn ông khi lập gia đình mới, chính là đứa con riêng, họ luôn sợ con mình sống cảnh mẹ kế con chồng. Nghĩ vậy, tôi tự nhủ sẽ là cầu nối gắn kết cha con anh, đối đãi với con bé tốt nhất có thể.
Kết quả là, 5 năm dù không chung nhà, nhưng vẫn gắn bó, tình cảm giữa tôi và con riêng của chồng chưa một lần rạn nứt. Điều này, tôi rất biết ơn ba mẹ chồng, vì họ thay chúng tôi chăm sóc bé Thảo.
Thật may giữa tôi với con anh không hề có khoảng cách. Ảnh minh họa |
Hơn một lần tôi tự hỏi, nếu chung sống với bé Thảo, liệu tình cảm giữa bộ ba chúng tôi có tốt đẹp như hôm nay? Rồi lại nghĩ, không ít cặp có con riêng, cùng sống hạnh phúc dưới một mái nhà, chẳng phải họ là những người có tấm lòng rộng mở với trẻ con sao?
Nếu tôi có con riêng, liệu tôi có cho con ở với ông bà, để đi đắp xây hạnh phúc mới? Nghĩ về con chung của tôi và anh, lại thấy thương bé Thảo quá chừng, và cảm thấy mình như người có lỗi. Tôi đòi đem Thảo về ở cùng, nhưng ba mẹ chồng nhất định không cho. Ông bà đơn chiếc, muốn có đứa trẻ cho rộn ràng cửa nhà.
Có phải vì anh từng đổ vỡ nên biết cách giữ gìn tổ ấm mới? Anh nấu ăn rất khéo, đi thì thôi, về nhà anh là đầu bếp. Từng gà trống nuôi con, anh kể, không ít lần tần ngần giữa chợ, nghĩ mãi mà không biết nấu món gì cho con gái.
Anh lên Google tra thực đơn dành cho trẻ con. Nấu hoài lên tay, yêu con thì phải vào bếp, quý trọng gia đình thì chẳng phân biệt bếp núc là của ai. Cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, anh chỉ nói do vợ chồng không còn hợp nhau nữa.
Tôi không tra gạn, cũng chẳng cần biết lỗi của ai, chỉ thấy trước mắt anh làm rất tốt vai trò người chồng người cha. Không tra gạn anh, nhưng tôi không khỏi nghĩ ngợi. Ví dụ, nếu thấy anh đảm đang quá, tôi lại nghĩ chắc ngày xưa anh mắc lỗi này với vợ cũ, nên bây giờ phải cải thiện để vun đắp hạnh phúc.
Việc anh đưa hai phần ba tiền lương cho tôi, chỉ chừa lại đủ dằn túi, đổ xăng, cà phê, ăn sáng, thấy mà thương, nhưng tôi mặc kệ. Tôi không để anh lợi dụng sự xót thương của vợ mà lề mề, lười nhác, quyết không để anh đổ vỡ hạnh phúc vì những điều không được lòng phụ nữ một lần nữa.
Ai chê tôi một đứa con gái “rin”, lại đi lấy gã từng một đời vợ, như thế là thiệt thòi, tôi mặc kệ. Yêu nhau bốn năm đủ để hiểu nhau. Người ta chê anh, hạ bút ký đơn, thì tôi “nhặt” anh về, “kỳ cọ” sạch sẽ theo cách của tôi. Lấy đàn ông cũ, có thể lấn cấn chút con cái của anh ta, nhưng nếu biết cách thu xếp, biết mở lòng với con riêng của chồng, chồng sẽ càng yêu thương và nể phục vợ mới. Vì điều này, biết đâu anh sẽ “cân” hết mọi thứ trong nhà.
Ba mẹ đã yên tâm về tôi, không còn nghĩ cuộc hôn nhân trước của con rể đổ vỡ là lỗi của anh ấy. Nếu ai cho rằng, là con gái, chọn đàn ông từng đổ vỡ hôn nhân làm chồng là thiệt thòi, thì nên suy nghĩ lại.
Theo www.phunuonline.com.vn