Dân Hong Kong phản ứng kế hoạch giáo dục yêu nước
Dân Hong Kong phản ứng kế hoạch giáo dục yêu nước
Các bậc phụ huynh xuống đường biểu tình ở Hong Kong. |
Chính quyền Hong Kong nói môn học này là quan trọng để khơi gợi lòng tự hào dân tộc, dù rằng môn học đến tháng 9 mới bắt đầu và đến năm 2015 mới là bắt buộc.
Những nhà tổ chức nói khoảng 90.000 người đã tham gia cuộc biểu tình hết sức ồn ào với biểu ngữ và tờ rơi chỉ trích chương trình giáo dục đang gây nhiều tranh cãi. Nhưng cảnh sát ước tính con số người tham gia chỉ dưới 32.000.
Cuộc biểu tình ngày 29/7 cho thấy phản ứng chống Trung Quốc đại lục tăng mạnh ở Hong Kong, vài tuần sau cuộc biểu tình lớn nhất của đô thị tự trị này trong gần một thập kỷ.
Một cuộc thăm dò tháng trước của Đại học Hong Kong cho thấy số người ở cựu thuộc địa Anh tự nhận mình là công dân Trung Quốc đã giảm xuống mức kỷ lục trong 13 năm qua và có nhiều người muốn tự nhận mình là người Hong Kong hơn.
Chính quyền bác bỏ các cáo buộc về việc "tẩy não" và khẳng định sẽ tiếp tục với dự án sách giáo khoa và học trình này, nhưng cũng tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để giám sát quá trình triển khai môn học sau cuộc biểu tình.
Ủy ban này có nhiệm vụ đảm bảo môn học là “để giáo dục các học sinh có suy nghĩ độc lập, tự phân tích tình huống và đưa ra phán quyết khách quan của riêng mình”, chánh văn phòng đặc khu Carrie Lam nói với các phóng viên.
Theo kế hoạch môn học, học sinh sẽ có 50 giờ học mỗi năm tập trung vào “xây dựng sự hài hòa, bản sắc và đoàn kết dân tộc”. Môn học này không có bài kiểm tra.
Hong Kong trở về với Trung Quốc năm 1997 nhưng vẫn duy trì sự tự trị rộng rãi về mặt chính trị và pháp luật nội bộ. Lâu nay, các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh đã diễn ra khá thường xuyên ở đô thị tài chính 7 triệu dân này.
Theo Tuổi Trẻ