"Dẫm đạp chữa bách bệnh": "Thầy" là người bán cá
|
Để lách luật trong việc nhận chữa bách bệnh của mình bà Phú đã xin đăng ký làm dịch vụ tầm quất tại trụ sở mới ở đầu cầu treo, thôn Tân Sơn, xã Vinh Sơn, thị xã Sông Sông, Thái Nguyên. Ảnh. Xuân Hải. |
Chân dung “cậu cò”
Tên thật của “cậu cò” là Phạm Thị Phú, sinh năm 1972, trú tại tổ 12, phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Năm 2008 và đầu năm 2009 bà Phú hành nghề ở tổ 9, phường Mỏ Chè, T.X Sông Công). Có chồng và hai con (đã ly hôn), trước đây bà Phú buôn bán cá ở chợ. Mấy năm gần đây, không hiểu vì sao bà Phú “lột xác” trở thành “cậu cò” chữa được bách bệnh tại nhà.
Qua một số người tung tin, đồn thổi về khả năng chữa bách bệnh của bà Phú, mỗi ngày hàng trăm người dân từ các tỉnh như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc…đổ về chữa bệnh. Ngoài cách chữa bách bệnh bằng “chân” và cùng một loại thuốc là nước lã, trứng gà và cành chè tươi, mới đây bà Phú còn “soi” được bệnh, nhìn người đoán bệnh theo kiểu người âm nhập vào bắt bệnh. Để tăng thêm phần huyền bí cho việc khám chữa bách bệnh của mình, bà Phú còn "lên lịch" chỉ chữa bệnh vào các ngày thứ 3,4,5, 7 và chủ nhật hàng tuần, nghỉ thứ 2, thứ 6. Nhưng đôi khi bà này nghỉ bất thường với lý do đi nước ngoài chữa bệnh?
Trước đây, khi còn ở phường Mỏ Chè, ngày 15/01/2009 UBND thị xã Sông Công đã có công văn chỉ đạo UBND phường ra thông báo đến tận gia đình bà Phú về việc phải chấm dứt ngay các hoạt động tổ chức khám, chữa bệnh. Nhưng sau đó mấy tháng bà Phú lại chuyển “cơ sở” sang địa điểm mới, rộng rãi hơn thuộc tổ 12, phường Thắng Lợi và chỉ cách trụ sở Thị uỷ, UBDN thị xã Sông Công khoảng 300 m. Sau đó, để “tiện” cho việc chữa bệnh, khoảng hơn 1 năm nay, “cậu cò” lại di chuyển cơ sở về ngay đầu cầu treo ở thôn Tân Sơn, xã Vinh Sơn, Sông Công.
Để tìm hiểu bà Phú có thực sự chữa được bách bệnh theo tin đồn, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Xuân Vinh (56 tuổi), ở tổ 3, phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc, bệnh nhân đã từng đến chữa điếc tại nhà bà Phú 3 lần vào năm 2009.
Ông Vinh cho biết, cuối năm 2008, do sức khỏe sa sút nên tai ông cũng dần dần nghe không được rõ, ông cũng đã đi đến bệnh viện Phúc Yên, Vĩnh Phúc để khám và bệnh viện kết luận ông bị điếc cả hai tai. Năm 2009, sau khi nghe một người em họ mách rằng bà Phú ở thị xã Sông Công chữa được bách bệnh, ông Vinh đã cùng người em đến tận nơi để được “cậu cò” chữa bệnh nhưng chữa đến 3 lần bệnh cũng không thuyên giảm và hiện giờ đang dùng máy điếc để nghe.
“Khi cậu em họ mách bảo bà Phú chữa được bách bệnh nên tôi đã đến nhà bà Phú 3 lần để chữa bệnh. Tôi cũng phải mua nước tinh khiết và trứng gà cũng như chè xanh tươi được bà Phú truyền năng lượng nhưng bệnh tình cũng không khỏi, vừa tốn tiền lại mất thời gian nên sau đó tôi không đến nữa mà mua máy điếc để nghe”, ông Vinh bực dọc nói.
Lách luật bằng dịch vụ tẩm quất
Theo một người dân ở thôn Tân Sơn, xã Vinh Sơn, từ khi “cậu cò” chuyển cơ sở chữa bệnh về đây thì 2 quán bán hàng ăn uống, nghỉ trưa ở ngay đầu cầu treo vào nhà cậu cò lúc nào cũng tấp nập và rất đông khách.
Bà Dương Thị Minh, cán bộ Phòng Văn hóa thị xã Sông Công cho biết, trước đây học xong phổ thông bà Phú ở nhà lấy chồng, rồi ra chợ thị xã bán cá nên bạn bè hay gọi là Phú “cá”, chẳng hiểu sao năm 2008 – 2009 thì thấy Phú nghỉ bán cá rồi “lột xác” nhận chữa được bách bệnh, thấy bảo bà Phú có năng lượng gì đó nhưng chẳng ai tin, ở đây có ai đến nhà để nhờ bà Phú chữa bệnh cho đâu. Không có giấy phép để chữa bệnh, bây giờ bà Phú lại chuyển sang kinh doanh dịch vụ tẩm quất để qua mặt các cơ quan chức năng.
“Ngay cả khi con tôi ốm, bạn bè bảo thử đưa con vào nhà Phú để nhờ chữa bệnh nhưng gia đình tôi nhất quyết không đưa con vào đó mà đưa cháu đến bệnh viện thị xã”, bà Minh nói.
Trao đối PV Báo điện tử Infonet, Bà Trần Thị Minh Hằng, Trưởng phòng y tế thị xã Sông Công, Thái Nguyên cho hay, Trước việc bà Phú tự nhận chữa được bách bệnh bằng hình thức dẫm đạp trên người truyền năng lượng, UBND thị xã Sông Công cũng đã ra công văn yêu cầu bà Phú phải chấm dứt ngay việc chữa bệnh này, tuy nhiên sau đó bà Phú lại lách luật bằng cách xin đăng ký kinh doanh dịch vụ tẩm quất nên rất khó xử lý. Trước đây, Bộ Y tế đã về kiểm tra và yêu cầu bà Phú dừng ngay việc chữa bệnh dẫm đạp trên người, còn để kiểm tra xem bà Phú thực sự có năng lượng chữa được bách bệnh hay không, Bộ Y tế đã giao cho Viện Y học cổ truyền nghiên cứu, tuy nhiên đến nay thủ tục giấy tờ vẫn chưa đầy đủ nên Sở Y tế Thái Nguyên chưa cấp giấy phép cho bà Phú chữa bệnh thực nghiệm.
“Khi chúng tôi xuống kiểm tra tại nhà thì không thấy bà Phú chữa bệnh, hỏi những người dân đang có mặt ở đó thì họ nói là đến chơi. Còn việc bà Phú bán “thuốc thần” như trứng gà, chè xanh tươi, nước tinh khiết, xem bói thì chúng tôi không bắt được quả tang nên rất khó xử lý. Hiện tại, thị xã đã giao cho UBND xã Vinh Sơn thường xuyên kiểm tra xem dịch vụ tẩm quất của bà Phú có ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn hay không, nếu có sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ tẩm quất này”, bà Hằng nhấn mạnh.