Đắk Lắk: Công trình nước sạch 'đắp chiếu', dân khoan giếng, lấy nước suối về dùng rồi... quay lưng luôn
Được đầu tư gần 12 tỉ đồng, đưa vào hoạt động hơn 3 năm nhưng công trình cấp nước tại xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) không hiệu quả, thời gian dài 'đắp chiếu' vì gặp sự cố, khi vận hành trở lại người dân đã quay lưng
Hơn 3 năm, nhà chỉ dùng... 3m³ nước
Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) được khởi công xây dựng từ năm 2017 với tổng mức đầu tư gần 12 tỉ đồng do UBND huyện Cư M’gar làm chủ đầu tư.
Tháng 12/2018, công trình hoàn thành, được đưa vào sử dụng với mục tiêu cấp nước cho 478 hộ dân thuộc 3 buôn tại xã Cư M’gar. Thế nhưng, trong quá trình vận hành, công trình cấp nước nói trên phải nhiều lần tạm ngưng hoạt động vì liên tục gặp sự cố và đến nay vẫn “đắp chiếu”.
Công trình cấp nước gần 12 tỉ đồng tại xã Cư M’gar đang hiện chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí đầu tư. |
Dẫn PV ra chiếc đồng hồ nước của nhà, chị H’Ra Mlô (buôn Bling, xã Cư M’gar) cho biết, chị là một trong những gia đình đăng ký dùng nước sạch đầu tiên của công trình, thế nhưng đã hơn 3 năm qua, gia đình chị mới dùng được 3m³ nước sạch vì công trình liên tục gặp sự cố, cấp nước không ổn định.
Tương tự, đã 3 năm trôi qua, gia đình anh Y Sá Auyn (trú buôn Bling) mới sử dụng được 5m³ nước từ công trình cấp nước xã Cư M’gar. Chán nản vì công trình cấp nước không ổn định, thi thoảng lại gặp các sự cố như vỡ ống, rò rỉ nước nên anh Y Sá, chị H’Ra cùng nhiều người dân trong 3 buôn của xã Cư M’gar đành khoan giếng để dùng và dần dần “quay lưng” với công trình nước sạch. “Mùa mưa thì có nước giếng. Khi đến mùa khô, giếng cạn, chúng tôi đi lấy nước suối về dùng”, anh Y Sá chia sẻ.
Hơn 3 năm qua, anh Y Sá mới sử dụng được 5m³ nước từ công trình nước sạch. |
Khó vận hành hệ thống cấp nước
Theo tìm hiểu, từ năm 2020, công trình cấp nước nói trên đã được bàn giao cho UBND xã Cư M’Gar quản lý, vận hành. Sau đó, UBND xã Cư M’Gar đã thành lập tổ quản lý gồm 3 trưởng buôn để vận hành cấp nước và thu tiền. Tuy nhiên, tiền nước không đủ bù tiền điện, thu không đủ chi mấy tháng liền, các trưởng buôn phải thay nhau bỏ tiền túi để bù vào chi phí vận hành.
Liên quan đến dự án cấp nước trên, ông Nguyễn Quang Dáp, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết, toàn công trình có tổng cộng 470 đầu nối phục vụ cấp nước cho 478 hộ dân. Thế nhưng, thực tế chỉ có khoảng 280 hộ sử dụng, còn lại bà con dùng nước giếng hoặc nguồn nước khác nên khấu hao cao.
“Chỉ khi mùa khô đến, nước giếng cạn thì nhu cầu dùng nước từ công trình mới tăng lên. Còn mùa mưa, khi có nước giếng thì bà con ít dùng nên gây khó khăn trong công tác vận hành”, ông Dáp chia sẻ.
Cũng theo ông Dáp, sau khi giao cho các trưởng buôn quản lý vận hành công trình nhưng không mang lại hiệu quả, hiện UBND xã Cư M’gar đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại Toàn Phát (Công ty Toàn Phát, đơn vị có kinh nghiệm vận hành công trình cấp nước - PV) vận hành công trình nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả như ý.
Trao đổi với PV Infonet, một cán bộ của Công ty Toàn Phát đang khảo sát lại công trình cho hay, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã phối hợp vận hành công trình cấp nước tại xã Cư M’gar. Tuy nhiên, vì lượng người dùng nước quá ít, không đủ trả tiền điện nên phải dừng lại.
Chị H’Ra mới sử dụng 3m³ nước từ công trình cấp nước xã Cư M’gar. |
Vị cán bộ này cho biết thêm, trước đây, hệ thống đường ống tại công trình nhiều lần gặp trục trặc, cấp nước không đều nên bà con phải chủ động tìm nguồn nước khác. Đến nay, các sự cố đã khắc phục xong nhưng vài km đường ống mới có một người dùng. Thậm chí, nhiều đồng hồ nước tại nhiều gia đình đã bị chôn vùi dưới đất, không xác định được vị trí, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành.
Vị cán bộ Công ty Toàn Phát nói: “Bình quân, mỗi tháng chúng tôi phải mất khoảng 3 triệu đồng tiền điện để vận hành công trình nhưng chỉ thu về hơn 1 triệu đồng tiền nước. Hiện, chúng tôi đang bàn bạc lại với xã để đưa ra các phương án như mở rộng quy mô cấp nước đến khu dân cư khác có nhu cầu sử dụng nước cao hơn nhằm khắc phục khó khăn”.
36 công trình cấp nước hư hỏng, kém hiệu quả
Ông Phạm Ngọc Bình, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn Đắk Lắk cho biết, hiện toàn tỉnh có 122 công trình nước sạch; trong đó, 36 công trình đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.
“Những công trình ngưng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả đều có quy mô nhỏ, được đầu tư từ nhiều năm trước và đã được giao về cho địa phương các cấp như xã, thôn, buôn quản lý”, ông Bình nói.
Một công trình nước sạch tại xã Hòa Xuân (TP Buôn Ma Thuột) ngừng hoạt động, bị bỏ hoang 2 năm nay. |
Cũng theo ông Bình, nguyên nhân chính dẫn đến việc có nhiều công trình cấp nước ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả vì người sử dụng ít nhưng chi phí vận hành cao dẫn đến thu không đủ chi. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân đầu tư không đến nơi đến chốn, có thể đầu tư đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu đầu tư về con người, dẫn đến việc cán bộ vận hành không có chuyên môn, không được đào tạo để vận hành, quản lý công trình cấp nước.
“Hiện, chúng tôi đang phối hợp với các địa phương để rà soát, lên phương án khắc phục, sử dụng những công trình cấp nước đang tạm ngừng hoạt động”, ông Bình nói thêm.
Trần Nhân