Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga “bất ngờ” vận động Trung Quốc tham gia vào đàm phán START-3
Hiệp ước START mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga John Sullivan. Ảnh: AP. |
Đại sứ Hoa Kỳ ông Sullivan cho biết: “Chúng tôi đang đàm phán với chính quyền Nga. Những cuộc gặp gỡ này thảo luận về chủ đề kiểm soát vũ khí, bao gồm Hiệp ước START và sáng kiến của chúng tôi là đưa Trung Quốc tham gia”.
Ông Sullivan tin rằng phía Nga về nguyên tắc không phản đối sự tham gia của Trung Quốc trong việc này, song họ cho rằng Washington mới là bên cần thuyết phục Bắc Kinh tham gia đàm phán.
Ông Sullivan nhấn mạnh, Chiến lược an ninh của Mỹ cho rằng việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong thời gian gần đây đang đặt ra thách thức đối với Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi đang tích cực thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào cuộc đàm phán này.
“Tôi cảm thấy điều này cũng đáng để Nga quan tâm. Chúng tôi cho rằng việc đưa Trung Quốc tham gia đàm phán về an ninh chiến lược không chỉ đáp ứng lợi ích của chúng tôi, mà cả lợi ích của phía Nga”, ông Sullivan nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Đại sứ Sullivan việc đưa Anh và Pháp tham gia việc này là không phù hợp. “Chúng tôi không phản đối việc đưa họ tham gia đàm phán. Nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng tôi là Trung Quốc nên tham gia. Chính quyền Trung Quốc cho hay họ sẽ không cố gắng chạy đua vũ trang với Mỹ hoặc Nga. Nếu vậy, chúng tôi hy vọng ở Bắc Kinh họ sẽ thấy lợi ích khi thỏa thuận với Washington và Moscow trong khuôn khổ tam giác 3 cường quốc hạt nhân, từ đó sẽ phác thảo nên bộ khung của hệ thống kiểm soát vũ khí trong thập niên tới”, ông Sullivan nói.
Mới đây, hôm 9/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc gia hạn hiệp ước không nên chỉ có Nga, mà cần đưa cả Trung Quốc tham gia và cần bao gồm tất cả những mối đe dọa tiềm tàng từ các loại vũ khí mới thế hệ tiếp theo.
Trước đó, Cố vấn của Tổng thống Mỹ về An ninh Quốc gia John Bolton cho biết START-3 khó có thể được gia hạn vì hiệp ước này còn thiếu sót. Về phần mình, Nga đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng thảo luận về vấn đề này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới không kèm theo điều kiện: “Nga đã đưa ra đề xuất. Phía Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới. Tuy nhiên Nga chưa nhận được bất cứ câu trả lời đối với đề xuất của mình. Nếu không có START mới sẽ không còn bất cứ thỏa thuận chính nào trên thế giới để kiểm soát vũ khí hạt nhân”.
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga hiện vượt trội so với của Trung Quốc, nhưng việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến các đồng minh của Mỹ và các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng lo ngại.
Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.