Đài Loan tung UAV “tự sát” đủ sức hạ gục hệ thống tên lửa S-400?
Taiwan News đưa tin, trong cuộc triển lãm Công nghệ Hàng không vũ trụ và Quốc phòng Đài Bắc (TADTE-2019) diễn ra từ ngày 15 – 17/8, Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan của Đài Loan (NCSIST) đã cho ra mắt máy bay không người lái (UAV) "tự sát" chống radar Chien Hsiang cùng dàn phóng.
UAV "tự sát" Chien Hsiang của Đài Loan. (Ảnh: CNA) |
NCSIST cũng cho biết, hoạt động sản xuất đại trà UAV Chien Hsiang đang được triển khai. Theo kế hoạch, 104 UAV Chien Hsiang sẽ được ra đời trong vòng 6 năm tới.
Nói cách khác, Đài Loan tham vọng xây dựng phi đội UAV “tự sát” nhằm tiêu diệt các mục tiêu quân sự nhằm đáp trả đợt tấn công từ quân đội Trung Quốc.
UAV Chien Hsiang được trưng bày trong khuôn khổ TADTE-2019 (Ảnh: Wikimedia) |
Về cơ bản, UAV "tự sát" giống như một tên lửa hành trình, bay lởn vởn quanh khu vực có địch, xác định mục tiêu rồi tấn công vào đối phương và “hy sinh” trong quá trình làm nhiệm vụ.
Đài Loan được cho đã chi tới 2,54 tỷ USD để phát triển và sản xuất 104 UAV Chien Hsiang để chuẩn bị cho chiến thuật chiến đấu kiểu "Kamikaze". Đây là kiểu tấn công tự sát huyền thoại do Nhật Bản sáng tạo trong Thế chiến thứ Hai.
Trong đó, thuật ngữ “chống radar” liên quan tới khả năng UAV Chien Hsiang được sử dụng để tấn công các radar cảnh báo sớm và hệ thống phòng không của đối phương. Hiện không rõ tính năng của UAV Chien Hsiang có gì đặc biệt song giới phân tích cho rằng UAV Chien Hsiang là bản sao của UAV "tự sát" Harpy do Israel sản xuất.
Trong khuôn khổ TADTE-2019, Đài Loan đã lần đầu tiên giới thiệu 12 bệ phóng chứa 12 UAV Chien Hsiang. Những bệ phóng di động có thể di chuyển một cách dễ dàng trên toàn đảo Đài Loan hoặc các hòn đảo nằm bên ngoài như đảo Kim Môn và Matsu.
Dàn phóng di động của UAV Chien Hsiang. (Ảnh:Wikimedia) |
Theo tổ chức Jane's Information Group, với tính năng di động, UAV Chien Hsiang có thể tấn công vào các vị trí của quân đội Trung Quốc nằm trên lãnh thổ đại lục. Cụ thể, UAV "tự sát" của Đài Loan có thể tấn công tất cả các trạm radar dọc bờ biển phía đông nam Trung Quốc.
Còn theo trang web tin tức hàng không quân sự Alert 5, UAV Chien Hsiang nặng 6 kg, chiều dài là 1,2 m và chiều rộng 2 m.
Đáng nói, theo CNA, một trong những nhiệm vụ chính của UAV Chien Hsiang chính là tiêu diệt hệ thống tên lửa S-400 mà Trung Quốc mua của Nga.
Hồi tháng Bảy, một nguồn tin ngoại giao quân sự chia sẻ với TASS rằng, Nga đã cho triển khai hoạt động vận chuyển trung đoàn S-400 thứ hai tới Trung Quốc bằng đường biển.
Một trong những nhiệm vụ củaUAV Chien Hsiang là tiêu diệt hệ thống tên lửa S-400 trong quân đội Trung Quốc. (Ảnh: CNA) |
Cuối tháng 12/2018, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin hệ thống tên lửa S-400 Triumf được Trung Quốc mua của Nga vào năm 2014, đã đánh trúng các mục tiêu nằm cách xa 250 km trên eo biển Đài Loan. Trong vụ thử nghiệm này, tên lửa S-400 Triumf đã bay với tốc độ 3km/s. Tuy nhiên, Kyodo không đưa ra thông tin cụ thể về thời gian và khu vực tên lửa S-400 Triumf tiêu diệt mục tiêu nằm trên eo biển Đài Loan.
Đây là lần đầu tiên, lực lượng tên lửa Trung Quốc cho thử nghiệm hệ thống S-400 Triumf kể từ khi tiếp nhận các tàu chở linh kiện cuối cùng từ Nga vào tháng Bảy.
Trung Quốc là quốc gia nước ngoài đầu tiên đặt mua các hệ thống S-400 của Nga. Vào năm 2014, Moscow và Bắc Kinh đã ký kết thỏa thuận mua bán hai tổ hợp S-400 trị giá hơn 3 tỷ USD. Trong đó, tổ hợp S-400 đầu tiên được Nga chuyển cho Trung Quốc vào mùa xuân năm 2018.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Ngamà NATO gọi là SA-21 Growler được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Tầm bắn đạt 400 km, hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tới 35 km.
Quân đội Nga đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện đại S-400 từ năm 2007.