Đài Loan khoe biết rõ "đường đi nước bước" của tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, thông báo từ Cơ quan quốc phòng Đài Loan vào hôm nay (20/5) không nói cụ thể thông tin vị trí hay hành trình di chuyển của tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu hộ tống. Còn theo thông báo chính thức gần nhất, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua hải phận của Nhật Bản vào ngày 11/6.
Đài Loan khoe biết rõ "đường đi nước bước" của tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông. (Ảnh minh họa) |
“Quân đội Đài Loan có thể triển khai mọi nguồn lực tình báo để nắm bắt toàn bộ thông tin về hoạt động đi chuyển của tàu sân bay Liêu Ninh bao gồm các tàu và máy bay đi theo. Quân đội Đài Loan đủ năng lực để bảo vệ hòn đảo và duy trì nền hòa bình cũng như ổn định của khu vực”, tuyên bố từ Cơ quan quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh.
Trong khi đó, giới chức Nhật Bản cho hay hành trình di chuyển qua eo biển Miyako để tới Thái Bình Dương của tàu sân bay Liêu Ninh có sự tham gia của 5 chiến hạm khác bao gồm 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường và 2 tàu hộ vệ.
Nhật Bản cũng khẳng định, nước này vẫn theo dõi hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố đây chỉ là một cuộc huấn luyện thường kỳ và tuân thủ luật pháp quốc tế đồng thời kêu gọi các quốc gia khác tôn trọng quyền di chuyển của đội tàu Trung Quốc.
Truyền thông Đài Loan dẫn lời nguồn tin tình báo giấu tên cho hay, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã di chuyển về phía Tây Thái Bình Dương sau khi đi qua eo biển Miyako. Liêu Ninh đã di chuyển gần đảo Guam và Philippines trước khi tiến vào Biển Đông.
Hôm 19/6, hãng tin CNA của Đài Loan cho biết Liêu Ninh dường như sẽ ghé qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Truyền thông Đài Loan cũng nhấn mạnh, chuyến đi biển lần này của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh là nhằm thách thức Mỹ sau khi chiến hạm Mỹ nhiều lần đi qua eo biển Đài Loan. Theo Bắc Kinh, hành động đi qua eo biển Đài Loan của chiến hạm Mỹ là nhằm thách thức Trung Quốc và gia tăng tầm ảnh hưởng với Đài Loan.
Về phần mình, Mỹnhiều lần khuyến khích các quốc gia khác điều động tàu thuyền đi qua eo biển Đài Loan theo chương trình đảm bảo tự do hàng hải.
Cũng trong ngày 19/6, Cơ quan quốc phòng Đài Loan xác nhận một chiến hạm của Canada đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 18/6. Cách đây hai tháng, một tàu của Pháp cũng đã đi qua eo biển Đài Loan.
Trang web Marine Traffic cho biết từ Biển Đông, tàu hộ vệ lớp Halifax HMCS Regina của Canada đã đi qua eo biển Đài Loan và sau đó hướng về phía biển Hoa Đông.
Văn phòng Thương mại Canada ở Đài Bắc xác nhận, việc tàu HMCS Regina đi qua eo biển Đài Loan là một phần trong "Operation NEON", sứ mệnh mà Canada tham gia nhằm đảm bảo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên được thực thi.
Cũng theo Văn phòng Thương mại Canada, chuyến đi của tàu hộ vệ HMCS Regina không liên quan tới vấn đề chính trị và “không có gì để nói” về hoạt động đi qua eo biển Đài Loan của tàu HMCS Regina.