Đài Loan: "Con bài" trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc?
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao khu vực châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, Tổng thống đắc cử Donald Trump không có ý định thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực eo biển Đài Loan.
"Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường trao đổi với chính quyền của ông Trump về vấn đề Đài Loan nhằm làm rõ mục đích của ông Trump khi thực hiện cuộc điện đàm với Tổng thống Thái Anh Văn và cảnh báo về những hậu quả nếu hành động tương tự tái diễn", bà Glaser nói.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tiến hành điện đàm 10 phút hôm 2/12. |
Bà Glaser còn nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ "có những hành động mạnh mẽ" nếu nhận thấy ông Trump ủng hộ Đài Loan giành độc lập. "Giờ đây, Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh và sẽ có những hành động cương quyết nếu thấy Mỹ ủng hộ nền độc lập của Đài Loan", bà Glaser nói.
Trong khi đó, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ tại Đài Loan, ông William Stanton cho rằng cuộc điện đàm 10 phút hôm 2/12 giữa ông Trump và bà Thái đã được lên lịch từ trước và Washington nên làm chuyện này sớm hơn.
Còn chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, ông Daniel Blumenthal nhận định Trung Quốc đã "chuẩn bị sẵn phương án cho sự thay đổi của Mỹ". Cuộc điện đàm hồi tuần trước giữa ông Trump và bà Thái là lần trao đổi chính thức đầu tiên giữa giới chức Mỹ và Đài Loan kể từ năm 1979.
“Cả thế giới đều biết rõ quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan. Tôi nghĩ rằng Mỹ và bản thân Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng hiểu rõ điều này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang tuyên bố tại Bắc Kinh.
Chuyên gia nghiên cứu các mối quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Renmin Trung Quốc, ông Shi Yinhong cho rằng Bắc Kinh muốn tỏ thiện ý hợp tác với nhà lãnh đạo mới của Mỹ khi kiên nhẫn trước hành động vượt quá giới hạn của ông Trump.
Trong khi ông Trump khẳng định có những biện pháp mạnh tay đối với hoạt động thương mại, tiền tệ của Trung Quốc và sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, thì cho tới nay chính sách đối ngoại của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn là ẩn số.
Theo ông Shi, Trung Quốc sẽ có phản ứng nếu ông Trump vượt qua giới hạn đỏ mà Bắc Kinh đặt ra. "Trung Quốc muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với ông Trump. Đó là lý do vì sao Trung Quốc đã đồng thuận với nghị quyết mới đây của Liên Hợp Quốc về việc tăng cường trừng phạt với Triều Tiên", ông Shi chia sẻ.
Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan, ông Shen Dingli nhận định Bắc Kinh có thể sử dụng các vấn đề liên quan tới Triều Tiên để nâng vị thế của mình trong các mối quan hệ với chính quyền mới tại Nhà Trắng.
Lệnh trừng phạt được Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố hôm 30/11 chủ yếu nhằm vào hạn chế sản lượng xuất khẩu than của Bình Nhưỡng cũng như đưa ra các quy định nhằm ngăn cản Triều Tiên thu ngoại tệ mạnh. Việc cắt đứt nguồn tiền đưa về Triều Tiên sẽ khiến Bình Nhưỡng buộc phải trì hoãn chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Phản ứng trước tuyên bố của LHQ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định: "không có ai và không có cái gì" có thể sống sót sau các cuộc tấn công của quân đội Triều Tiên.