'Đại gia phố núi' lỗ kỷ lục
Đức Long Gia Lai vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giải trình chênh lệch liên quan đến báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 được kiểm toán.
Sau kiểm toán, doanh nghiệp này có khoản lỗ lên tới 1.197 tỷ đồng, chênh 312 tỷ đồng so với báo cáo tài chính trước kiểm toán.
Theo giải trình, khoản lỗ này chủ yếu đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 324 tỷ đồng sau kiểm toán, vì tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi của công ty mẹ và điều chỉnh chi phí dịch vụ mua ngoài từ chi phí bán hàng. Ngoài ra, chi phí bán hàng giảm 11,8 tỷ đồng, chi phí thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tăng 2,4 tỷ đồng,...
Như vậy, đây cũng là năm lỗ kỷ lục kể từ khi DLG lên sàn chứng khoán.
Trong năm 2022, doanh nghiệp tiến hành phương án cấu trúc tình hình tài chính, sắp xếp bộ máy nhân sự, ban điều hành, cắt giảm chi phí quản lý, tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con yếu kém.
Lãnh đạo DLG lập kế hoạch thoái vốn, chuyển nhượng một số dự án không hiệu quả để tập trung dòng tiền trả nợ ngân hàng như Đức Long Tower, bến xe Đức Long Bảo Lộc, dự án khách sạn Đức Long tại Hà Nội. HĐQT cũng đã làm việc với ngân hàng để có văn bản thống nhất cho Công ty tất toán nợ, miễn toàn bộ lãi.
Ban lãnh đạo DLG đã đưa kế hoạch và mục tiêu kinh doanh năm 2023-2025, trong đó quyết tâm phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để đưa ra nhiều phương án xử lý nợ như tìm kiếm đối tác tiếp tục chuyển nhượng tài sản, dự án. Đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án năng lượng điện mặt trời, điện gió, bổ sung vào quy hoạch lưới điện quốc gia để chuyển nhượng các dự án này.
Công ty khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận hàng năm theo kế hoạch.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG có giá 2.300 đồng. DLG nằm trong danh sách các mã không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý II/2023.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn:
* NVT: Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát, kể từ ngày 12/4. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế năm 2021 và 2022 của NVT lần lượt âm 49,9 tỷ đồng và âm 12,9 tỷ đồng.
* VDS: Tại ĐHĐCĐ, CTCP chứng khoán Rồng Việt (VDS) đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 là 890 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 216,6 tỷ đồng.
* EIB: Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa nhận được đơn từ nhiệm của hai thành viên là ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng, vì lý do cá nhân.
* KDH: CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 3.100 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.000 tỷ đồng, giảm 9,3% so với thực hiện trong năm 2022.
* DRC: CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đặt kế hoạch doanh thu 5.060 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 264 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện trong năm 2022.
* TTF: CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng, tăng 14,86 lần so với thực hiện trong năm 2022.
Giao dịch cổ phiếu
* MWG: Nhóm cổ đông lớn do Dragon Capital quản lý tại CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã bán ra hơn 979.000 cổ phiếu MWG trong ngày 3/4. Số lượng nắm giữ sau khi giao dịch còn hơn 116,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,91%.
* DCM: Nhóm cổ đông lớn do Dragon Capital quản lý tại CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đã bán ra 1,8 triệu cổ phiếu DCM trong ngày 3/4. Tỷ lệ sở hữu hơn 31,39 triệu cổ phiếu, chiếm 5,92%.
* PC1: CTCP Tập đoàn PC1 (PC1) thông qua việc đầu tư mua 1,8 triệu cổ phần tại CTCP Kho bãi Phú Bình, tương ứng tỷ lệ sở hữu 36%. Thời gian thực hiện trong tháng 4/2023.
* IDJ: Ông Nguyễn Quang Huy, quyền Tổng giám đốc CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) đăng ký bán 113.000 cổ phiếu từ ngày 10/4 đến 9/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* DHC: Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Thành viên HĐQT CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu từ ngày 11/4 đến 9/5, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
VN-Index
Kết thúc phiên 6/4, VN-Index giảm 9,95 điểm (-0,92%), xuống 1.070,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 998,75 triệu đơn vị, giá trị 15.789,7 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 1,15 điểm (-0,54%), xuống 211,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 149,1 triệu đơn vị, giá trị 2.088,2 tỷ đồng.
UpCoM-Index tăng 0,60 điểm (+0,78%), lên 78,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,66 triệu đơn vị, giá trị 573,3 tỷ đồng.
Duy Anh