Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO ra "tối hậu thư" cho Thổ Nhĩ Kỳ
Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchinson ra 'tối hậu thư" cho Thổ Nhĩ Kỳ |
Theo bà Kay Bailey Hutchinson, Nga hiện là đối thủ chính của Hoa Kỳ và NATO trên thế giới, và Moscow thường xuyên bị cáo buộc cố gắng làm suy yếu và chia rẽ Liên minh Quân sự NATO, vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ không thể có vũ khí được thiết kế để chống lại tên lửa của Mỹ.
Ngoài ra, bà Hutchinson lưu ý rằng "Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có chủ quyền, có thể tự mình đưa ra quyết định", nhưng Ankara sẽ không nhận được máy bay tiêm kích F-35 nếu hệ thống phòng không S-400 của Nga nằm trên lãnh thổ của nước này.
“Các bạn cần phải có một lựa chọn. Hoặc các bạn có thể có cái này hoặc cái kia, nhưng không phải cả hai”, đại diện thường trực của Mỹ tại NATO nhấn mạnh.
Trước đó, Ankara đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không từ chối mua các hệ thống tên lửa phòng không của Nga. Theo các điều khoản của thỏa thuận, lô tên lửa S-400 đầu tiên sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Bảy tới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Ngày 4/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan một lần nữa tuyên bố, nước này sẽ không rút khỏi thỏa thuận mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 với Nga, bất chấp sức ép từ Mỹ.
Việc Ankara muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga là nguồn cơn chính gây ra bất đồng giữa hai đồng minh NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, với việc Washington đe dọa áp đặt trừng phạt.
Hệ thống phòng không S400 của Nga |
Quyền trợ lý quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế của Mỹ, bà Kathryn Wheelbarger cho hay, thương vụ mua sắm S-400 sẽ gây tổn hại tới khả năng hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây, và buộc Washington đáp trả bằng trừng phạt.
Bà nhấn mạnh, kể cả khi chính quyền Tổng thống Donald Trump không muốn trừng phạt thì cũng buộc phải làm vậy do Quốc hội Mỹ không tán thành với quyết định của Ankara. Bất chấp sức ép mạnh mẽ từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thương vụ này đã "hoàn tất".