“Dải băng đỏ” vì những người nhiễm HIV
Dải băng đỏ trao cho Nhân vật tiêu biểu hỗ trợ cộng đồng người chuyển giới |
Bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM nhìn nhận, qua 5 năm Giải thưởng Dải băng đỏ đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong phong trào phòng chống HIV/AIDS của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, thành tựu lớn nhất là cái nhìn cảm thông hơn, bớt kỳ thị và sự hỗ trợ của cộng đồng đối với những người nhiễm HIV.
Năm nay, Dải băng đỏ được trao cho 2 tập thể và 5 cá nhân. Ở hạng mục tập thể, Tổ chức S đỏ và gia tộc Rồng (Cần Thơ) đã đạt giải thưởng Tổ chức cộng đồng tiêu biểu năm 2019 và Tổ chức Kết nối trẻ (Bình Dương) đạt giải thưởng Tổ chức tiêu biểu trong phong trào K=K (Không phát hiện = Không lây nhiễm).
Trong khi đó, ở hạng mục cá nhân, giải thưởng Dải băng đỏ cho nhân vật tiêu biểu hỗ trợ cộng đồng người sử dụng ma túy người lao động tình dục thuộc về chị Trần Thị Phụng, Trưởng nhóm Niềm tin (TPHCM). Giải thưởng nhân vật tiêu biểu hỗ trợ cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới được trao cho anh Vũ Bảo Huy, Mạng lưới MSM –TG Việt Nam (Hà Nội).
Giải thưởng nhân vật tiêu biểu hỗ trợ cộng đồng người chuyển giới năm 2019 được trao cho Adriana Trang, Trưởng nhóm Strong Ladies (TPHCM). Giải thưởng nhân vật tiêu biểu K=K được trao cho Tùng Văn Lưu Khiết, Mạng lưới quần thể đích trẻ Việt Nam (TPHCM). Đặc biệt, giải thưởng cống hiến cho nhân vật tiêu biểu sống chung với HIV được trao cho chị Mai Hải Anh, trưởng nhóm Ban Mai Đông Anh (Hà Nội)
Giải thưởng Dải băng đỏ (The red ribbon awards) được khởi xướng từ năm 2015 do Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+) tổ chức với sự bảo trợ của Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TPHCM. Mục đích của Giải thưởng nhằm biểu dương những người sống với HIV tuân thủ điều trị tốt, có cuộc sống khỏe mạnh và hữu ích, thúc đẩy chương trình điều trị kháng vi-rút, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến HIV.
Đặc biệt, Dải băng đỏ còn hướng đến mục tiêu tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với các nhóm cá thể chịu ảnh hưởng bởi HIV như người sống với HIV, người sử dụng ma túy, người lao động tình dục, người đồng tính, song tính và chuyển giới. Đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế, vai trò của những nhóm cá thể này trong xã hội