Đa số cử tri Thái Lan ủng hộ hiến pháp do quân đội soạn thảo
Theo Ủy ban bầu cử Thái Lan, kết quả sơ bộ (94% số phiếu được kiểm) cho thấy 61,4 % người dân đồng ý với hiến pháp mới, 37,9 % phản đối. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 10/8 tới.
Binh sĩ Thái Lan bỏ phiếu hôm 7/8/2016. |
Chỉ có khoảng 55% cử tri đi bầu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 80% của Ủy ban Bầu cử. Theo ông Thithinan Pongsudhirak, giám đốc của Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, điều này là lợi thế đối với chính phủ.
Khoảng 200.000 cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ cuộc bỏ phiếu.
Chính quyền quân sự cho hay, hiến pháp mới là nhằm giúp Thái Lan vượt qua những tàn dư của hơn một thập kỉ chia rẽ trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, nhiều đảng chính trị của Thái Lan và các nhà phê bình chính phủ cho rằng, hiến pháp mới sẽ duy trì quyền lực chính trị cho quân đội trong nhiều năm tới.
Chiến thắng là một đòn giáng mạnh vào gia tộc Shinawatra và đồng minh của họ. Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2006 và em gái của ông, bà Yingluck cũng bị lật đổ năm 2014.
Ông Wirot Pao-in, người đứng đầu Đảng Pheu Thái, ủng hộ bà Yingluck, cho rằng, sở dĩ người dân Thái đồng ý với hiến pháp mới vì đó là con đường nhanh nhất dẫn tới bầu cử.
Ông nói: "Lý do hầu hết người Thái chấp nhận hiến pháp này vì họ muốn tổng tuyển cử diễn ra nhanh chóng”.
Theo Reuters, trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, chính quyền quân sự Thái Lan, chính thức được gọi là Hội đồng Quốc gia Hòa bình và Trật tự (NCPO), cấm tranh luận về hiến pháp và vận động trước cuộc bỏ phiếu. Các nhà chức trách đã bắt giữ và buộc tội hàng chục người đã thảo luận về hiến pháp này, bao gồm cả các chính trị gia và các nhà hoạt động.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.