Đã quá muộn để Mỹ cản trở xây dựng dự án "Dòng chảy phương Bắc-2"
Trước đó, Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đã thống nhất ngân sách quốc phòng cho năm 2020, với ngân sách cho giai đoạn này là 738 tỉ USD, trong đó có khoản trừng phạt chống đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” và khoản viện trợ quân sự cho Ukraine. Sau khi được phê chuẩn, tài liệu này còn phải trình xin chữ ký của Tổng thống Donald Trump.
“Trong mọi trường hợp thì đã quá muộn để thực hiện bất cứ điều gì chống lại đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2”, nó đã được xây dựng hơn 90%, chỉ còn một đoạn ngắn ở Đan Mạch có thể hoàn thành trong vòng chưa đầy một tháng, phần ống đặt trên đất liền ở Đức cũng đã hoàn thành hơn một nửa. Do đó, ngay cả khi cần phải làm xong dự án trong vòng 30 ngày nữa như người Đức mong muốn thì Gazprom hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện điều này”, chuyên gia Avakyan nhận định.
Đồng thời, Giám đốc phụ trách nhóm hàng nguyên liệu của hãng Fitch Dmitry Marinchenko nhận định rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn có thể gây trở ngại cho “Dòng chảy phương Bắc-2”.
Đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2). Ảnh: Sputnik. |
“Những lệnh trừng phạt mới nếu như thật sự được áp dụng vẫn có thể gây khó khăn cho hoạt động dự án và làm chậm quá trình thực hiện”, ông Marinchenko nói. Đặc biệt, sẽ mất thời gian để thay thế tàu đặt đường ống trên biển nếu con tàu hiện tại bị áp đặt biện pháp “hạn chế”, nhà phân tích lưu ý.
Báo Bild của Đức hôm thứ Ba, dẫn nguồn tài liệu của Bộ Kinh tế Đức đưa tin rằng, chính phủ Đức không loại trừ tác động tiêu cực do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ gây ra cho việc đặt đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2” tại khu đặc quyền kinh tế của Đan Mạch. Đồng thời, Berlin cũng cho rằng công trình sẽ được hoàn thành trong vòng 30 ngày nữa, như vậy sẽ có thể tránh được các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2) liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức. Nó được lên kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2019. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.