Đà Nẵng xây dựng trục văn hóa – lễ hội dọc hai bờ sông Hàn
Khi no dồn, lúc đói góp!
Chiều 26/8, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã báo cáo với lãnh đạo UBND TP Đề án xây dựng trục văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn (gọi tắt là Đề án). Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, hai trục đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng chạy dọc hai bờ Đông – Tây sông Hàn hết sức quan trọng đối với không gian cảnh quan của Đà Nẵng.
Tại cuộc họp chiều 26/8 bàn việc xây dựng trục văn hóa - lễ hội dọc hai bờ sông Hàn... (Ảnh: HC) |
Trước đây, du lịch của TP chưa phát triển, du khách ít nên hai trục đường này còn khá tĩnh lặng. Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng ngày càng nhiều nên các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm ở khu vực này cũng trở nên sôi động hơn.
Tuy nhiên bên cạnh một số hoạt động khá ấn tượng thì vẫn còn nhiều hoạt động mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, bài bản và không có lịch trình cụ thể nên lúc thì dồn dập, lúc lại vắng vẻ, khi no dồn, khi lại đói góp.
Do vậy, cùng với việc ngành xây dựng tiến hành quy hoạch không gian, kiến trúc dọc hai bờ sông Hàn thì ngành VH-TT-DL cũng cần kết hợp quy hoạch các sự kiện văn hóa ở khu vực này một cách phù hợp để phục vụ cho du lịch. Các sự kiện đó phải được tính toán, cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng để khi đưa vào thực tế thì có tính chất khả thi, thu hút.
Trong đó ông Đặng Việt Dũng lưu ý cần giới thiệu, tôn tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Đà Nẵng, văn hóa đất Quảng nói riêng.
“Làm du lịch, muốn thắng lợi thì phải có sự khác biệt, có tính độc đáo. Chứ còn chỗ nào cũng làm festival, chỗ nào cũng làm lễ hội mà không có tính độc đáo, không có sự khác biệt thì người ta cũng sẽ nhàm chán. Vì vậy các sự kiện văn hóa ở khu vực hai bờ sông Hàn phải thể hiện được văn hóa của người bản địa!” – ông Đặng Việt Dũng nói.
Muốn thắng lợi phải độc đáo, khác biệt
Ông yêu cầu ngành VH-TT-DL trên cơ sở các giá trị văn hóa mà Đà Nẵng đang có để chọn ra những sự kiện, những loại hình nghệ thuật có sức thu hút đối với cộng đồng để đưa ra trình diễn, giới thiệu với công chúng một cách có điều độ, có liều lượng, có sự chọn lựa thời điểm thích hợp, cụ thể chứ không phải cứ đưa ra ồ ạt, có cái gì lôi ra hết cái đó thì sẽ “không ăn thua đâu, không thu hút được đâu”!
“Nếu ngành văn hóa làm ngon thì tổ chức giới thiệu văn hóa Chăm trên trục văn hóa – lễ hội ở hai bờ sông Hàn có khi lại có nhiều cái hay. Vì bấy lâu nay chỉ toàn khách du lịch quốc tế đến với Bảo tàng điêu khắc Chăm, còn khách du lịch nội địa chỉ được 20% thôi. Ngay người Đà Nẵng có hiểu về văn hóa Chăm được mấy đâu, trong khi cái này có giá trị văn hóa, giá trị lịch sử rất thâm sâu!” – ông Đặng Việt Dũng nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng yêu cầu... (Ảnh: HC) |
Cùng với yêu cầu lựa chọn loại hình văn hóa, nghệ thuật và thời điểm, thời gian cụ thể để tổ chức trên trục văn hóa – lễ hội dọc hai bờ sông Hàn, ông Đặng Việt Dũng cũng yêu cầu xác định rõ đối tượng phục vụ của các sự kiện đó. Chẳng hạn, qua các chương trình “Âm nhạc đường phố”, “Đưa tuồng xuống phố” cần khảo sát lượng khách đến xem, trong đó tỉ lệ khách quốc tế, khách nội địa, người dân địa phương, khách trẻ tuổi, người lớn tuổi ra sao, ý kiến của họ về các chương trình đó thế nào? Trên cơ sở phân tích các số liệu khảo sát mới có thể xác định được loại hình phù hợp.
“Vị trí để tổ chức từng loại hình cũng phải được xác định rõ. Tránh tình trạng bên bờ Tây làm sân khấu, bên bờ Đông cũng làm sân khấu, rồi cứ hát ỏm tỏi lên thì không nghe được. Bên nào cũng ca nhạc đường phố, cũng hát bài chòi thì sẽ thành ra “tạp pí lù”. Phải phân định rõ tối nào làm cái gì, làm ở đâu? Công tác quảng bá các sự kiện đó thế nào cho người dân, du khách biết để đến xem!” – ông Đặng Việt Dũng nói.
Phải có chương trình “đinh” mang tầm quốc tế!
Đặc biệt, ông chỉ rõ, đề án chưa đề xuất được sự phối hợp giữa “trên bờ” với “dưới sông”. Hiện TP đang đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông nhưng các hoạt động “trên bờ” của trục văn hóa – lễ hội hai bờ sông Hàn hầu như tách biệt mà không có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn để phục vụ du khách. “Như vậy là giữa văn hóa với du lịch không có sự gắn kết gì cả!” – ông Đặng Việt Dũng nói.
Theo ông, các sân khấu dự kiến đầu tư nên là sân khấu lắp ráp, di động, vừa phát huy hiệu quả, vừa tránh che khuất tầm nhìn và chiếm diện tích trong những trường hợp không cần thiết. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất không phải sân khấu như thế nào mà là nội dung trên sân khấu đó là gì, có phong phú, sinh động hay không?
Trên cơ sở xác định được đối tượng phục vụ và thời gian thực hiện rõ ràng, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu, về mặt nội dung, bên cạnh các chương trình “nội địa”, các hoạt động văn nghệ quần chúng, ngày hội sách, hô hát bài chòi… do người dân Đà Nẵng, các địa phương, đơn vị trên địa bàn trình diễn thì cần nghĩ tới những sự kiện văn hóa - lễ hội có tính hội nhập, những chương trình “đinh” để thu hút khách”.
Các hoạt động trên trục văn hóa - lễ hội dọc hai bờ sông Hàn phải độc đáo, khác biệt, vừa có tính quần chúng, vừa mang tầm quốc tế! (Ảnh: HC) |
“Tôi thấy đề án toàn các chương trình “nội địa” mà chưa có chương trình gì mang tính hội nhập quốc tế. Hội An làm được opera quốc tế đường phố, tổ chức cho các nghệ sĩ quốc tế trình diễn ngoài phố được, tại sao Đà Nẵng không làm được? Chương trình “đinh” là gì? Tổ chức vào thời gian nào? Quy mô ra sao? Cần phải xác định rõ để dồn sức vào làm. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng mang tính chất phụ trợ, còn phải có các chương trình “đinh”, chương trình lớn mới tạo được sự hấp dẫn cho du lịch!” – ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Không để tái diễn tình trạng “giật cục”
Theo ông, để tránh tình trạng lâu lâu lại “nhảy” ra một hoạt động theo kiểu “giật cục” như lâu nay, từ cuối năm 2015, Đà Nẵng sẽ công bố các sự kiện du lịch của TP trong năm 2016 nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch và du khách trong việc tổ chức, đăng ký, sắp xếp tour. Do vậy, kế hoạch tổ chức các sự kiện trên trục văn hóa – lễ hội hai bên bờ sông Hàn phải được công bố vào khoảng tháng 9 – 10 sắp tới để từ đầu năm 2016 bắt đầu triển khai.
Trong năm 2016, hoạt động của trục văn hóa – lễ hội dọc hai bờ sông Hàn sẽ gắn với các sự kiện như cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015 – 2016 cập cảng Sông Hàn, Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á ABG 5, Đại hội Biển Đông Á… để thu hút và phục vụ du khách quốc tế và trong nước đến Đà Nẵng.
Đến tháng 9/2016 sẽ đánh giá toàn diện kế hoạch năm 2016 để xây dựng kế hoạch cho năm 2017 là năm Đà Nẵng tiếp tục rất nhiều sự kiện lớn như APEC 2017, kỷ niệm 20 năm trở thành TP trực thuộc TƯ, Liên hoan phim Việt Nam, Đại hội Biển Đông Á…
“Không làm tràn giang đại hải mà lấy các sự kiện đó làm mốc, lấy du khách của các sự kiện đó làm đối tượng để lựa chọn loại hình và tổ chức các hoạt động cho phù hợp. Phải dự trù, tính toán ngay từ bây giờ, tránh việc sau này lại tốn thời gian, tiền của vào việc sửa sai, khắc phục hạn chế. !” – ông Đặng Việt Dũng yêu cầu.
Theo đề án của Sở VH-TT-DL Đà Nẵng về xây dựng trục văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn, bên cạnh 7 hoạt động đang thực hiện tốt, cần tiếp tục phát huy như thi trình diễn pháo hoa quốc tế, trưng bày các cụm tượng đá nghệ thuật, chương trình “Âm nhạc đường phố”, “Đưa tuồng xuống phố”…, Đề án cũng đề xuất 12 nội dung hoạt động mới trên hai tuyến đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng chạy dọc hai bờ Đông – Tây sông Hàn.
Trong đó, trên trục đường Bạch Đằng sẽ có 8 hoạt động mới. Đáng chú ý là xây dựng sân khấu lắp ráp để tổ chức các hoạt động nghệ thuật truyền thống, dự kiến đầu tiên là hát bài chòi; thí điểm nhạc hơi; tổ chức hội sách, triển lãm ảnh; đầu tư sân khấu đa năng để tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu ca múa nhạc, tạp kỹ…; triển khai thêm cụm tượng trang trí, tổ chức khách du lịch tham quan Thành Điện Hải.
4 hoạt động mới trên trục đường Trần Hưng Đạo gồm thí điểm xã hội hóa đầu tư một sân khấu ngoài trời (cố định hoặc lắp ráp) ở phía Đông cầu Rồng; nâng cấp hoạt động tế lễ tại nhà thờ tiền hiền làng An Hải và đền thờ Thoại Ngọc Hầu thành lễ hội thường niên; đầu tư sân khấu lắp ráp để tổ chức các hoạt động, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng; các hoạt động văn hóa văn nghệ phong trào như hòa tấu, độc tấu nhạc cụ, dân vũ, hip hop…